"Cẩn trọng với đề nghị rút tàu của Trung Quốc"
Trước đó, Vụ phó Vụ Đại dương và biên giới thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Dịch Tiên Lượng đã ngang ngược cho rằng, nước này đã "hết sức kiềm chế" khi chỉ sử dụng vòi rồng và khẳng định Bắc Kinh chỉ gửi tàu dân sự tới khu vực này. Quan chức này nói, Trung Quốc sẵn sàng cố gắng giải quyết vấn đề với Việt Nam thông qua đối thoại, nhưng Việt Nam phải rút hết tàu về trước.
Theo đánh giá của mạng Diplomat, đề nghị như trên của quan chức họ Dịch sẽ không hấp dẫn được Chính phủ Việt Nam, bởi Trung Quốc không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng rút tàu thuyền cũng như giàn khoan dầu của họ, vốn là tâm điểm hiện nay. Thêm vào đó, trong quá khứ, Bắc Kinh từng sử dụng thỏa thuận "hai bên cùng rút" để chiếm lợi thế trong vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippines.
Chuyên gia về khoa học chính trị M. Taylor Fravel, một thành viên của chương trình nghiên cứu an ninh thuộc trường Đại học Công nghệ Massachusetts, từng có bài viết nêu rõ về thủ đoạn của Trung Quốc trong vụ việc tranh chấp chủ quyền với Philippines liên quan đến bãi cạn Scarborough. Bài viết này được đăng tải trên mạng Diplomat hồi tháng 11/2012.
Theo ông Fravel, trước tháng 4/2012, cả Trung Quốc lẫn Philippines đều không duy trì sự hiện diện thường trực ở bãi cạn Scarborough. Ngư dân Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đã từng tới đây khai thác hải sản. Vào những thời điểm trong quá khứ, đặc biệt là cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, hải quân Philippines từng bắt giữ những ngư dân Trung Quốc đi vào khu vực bãi cạn này.
Tình huống này đã thay đổi sau vụ đối đầu về chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough. Vụ đối đầu này bắt đầu vào tháng 4/2012, khi hải quân Philippines dự định bắt giữ các ngư dân Trung Quốc đang tiến hành khai thác hải sản ở đầm phá thuộc bãi cạn. Trước đó, hải quân Philippines phát biện 8 tàu cá Trung Quốc. Sau khi kiểm tra tàu, nhà chức trách Philippines đã phát hiện ra số lượng lớn hải sản bị đánh bắt trái phép.
Sau khi nhận được lời kêu cứu, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã tới khu vực này, chặn lối vào đầm phá và ngăn cản việc nhà chức trách Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi các tàu đánh cá rời bãi cạn, tàu của chính phủ hai bên vẫn duy trì nhằm bảo vệ tuyên bố chủ quyền với Scarborough. Tới cuối tháng 5/2012, Trung Quốc triển khai thêm 7 tàu hải giám và các tàu của Ủy ban nghề cá.
Tiếp đó, đến đầu tháng 6, Philippines công bố một thỏa thuận đã đạt được với phía Trung Quốc về việc hai bên cùng rút các tàu của mình. Mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ công khai thừa nhận sự tồn tại của một thỏa thuận như vậy, song tàu cả hai phía đã rời đi vào trung tuần tháng 6, đúng thời điểm một cơn bão áp sát khu vực này.
Tuy nhiên, sau đó, tàu Trung Quốc đã quay trở lại và duy trì sự hiện diện thường trực ở vùng biển xung quanh bãi cạn này kể từ đó. Trung Quốc còn dùng dây thừng chăng ở lối ra vào duy nhất, nhằm ngăn các tàu đánh cá khác vào khu vực đầm phá bãi cạn.
Đầu tháng 8/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin xác nhận Cơ quan tuần duyên Philippines thông báo là Trung Quốc đã dùng dây nối các phao đặt ở hai đầu lối vào khu vực của bãi cạn có hình con cá ngựa. Ông Gazmin cho biết đang xem xét các phương án xử lý với đống dây này. Thời tiết mưa bão ở biển Đông khiến tàu Philippines không thể đến khu vực bãi cạn Scarborough được.
Trước vụ đụng độ, Trung Quốc không hề có sự hiện diện thường trực ở khu vực bãi cạn Scarborough. Ba tháng sau đó, Trung Quốc đã kiểm soát thực sự bãi cạn này và những vùng biển xung quanh, bằng cách đó thay đổi hiện trạng trong tranh chấp quyền lợi. Một biên tập viên của tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ san của báo đảng Trung Quốc, còn cho rằng nước này đã "kiểm soát chắc chắn trực tiếp" đối với bãi cạn Scarborough.
Mạng tin tức GMA News hồi tháng 10/2012 từng bổ sung thêm thông tin về vụ việc này, trước việc tàu Trung Quốc chặn lối vào Scarborough, các quan chức ngoại giao Philippines đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận rút quân do Mỹ là trung gian, nhưng phía Trung Quốc phủ nhận đã có một thỏa thuận như vậy.
Nguồn VnEconomy