Thứ Bảy | 05/07/2014 19:49

Cần tiếp tục cho xuất khẩu đường

Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Công thương tiếp tục cho xuất khẩu đường trong 6 tháng cuối năm nay.
Đường chưa phải là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của nước ta. Tuy nhiên, khi mà sản lượng đường trong nước ngày càng nhiều, cộng với đường lậu tràn vào và đường nhập khẩu theo thỏa thuận với WTO, khiến cung vượt cầu, thì xuất khẩu đường ngày càng trở thành một đầu ra quan trọng cho ngành mía đường.

Vì thế, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Công thương tiếp tục cho xuất khẩu đường trong 6 tháng cuối năm nay. So với nửa đầu năm ngoái, trong nửa đầu năm nay, nhìn chung xuất khẩu đường đã có mức tăng trưởng khá tốt.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đường đến hết ngày 31/5 đã đạt 103,23 triệu USD, tăng 37,48 triệu USD (57%) so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu đường nửa đầu năm nay tăng mạnh, chủ yếu là nhờ tăng mạnh kim ngạch trong quý 1.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của đường Việt Nam. Ngoài ra, đường từ Việt Nam cũng đã được xuất sang một số thị trường khác. Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, xuất khẩu đường đã không còn thuận lợi như trong mấy tháng đầu năm. Trong tháng 5, đường xuất sang Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch 16,24 triệu USD. Kim ngạch này, tuy có tăng nhẹ 3,44% so với tháng 4, nhưng lại giảm tới 25,76% so với tháng 5/2013.

Đặc biệt, trong tuần cuối của tháng 6, việc xuất khẩu đường do các nhà máy trong nước sản xuất, sang bên kia biên giới phía Bắc qua cửa khẩu phụ đã bị ngưng lại do Trung Quốc cấm biên. Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết, những ngày đầu tháng 7 này, đường Việt Nam đã được xuất sang Trung Quốc trở lại, nhưng rất khó khăn.

Hiện tại, tiêu thụ đường ở thị trường trong nước đã được cải thiện đáng kể, với lương tiêu thụ bình quân xấp xỉ 150.000 tấn/tháng. Dù vậy, lượng đường tồn kho vẫn còn khá lớn. Đến ngày 27/6, trong tổng số 1,587 triệu tấn đường sản xuất được trong niên vụ 2013/2014, lượng đường vẫn còn tồn kho tại các nhà máy đường là 554.039 tấn.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Mía đường, việc một số công ty kinh doanh có giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất, được tái xuất mặt hàng đường qua cửa khẩu phụ sẽ khiến các công ty mía đường trong nước gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, do bị giảm thị phần ở cửa khẩu Bản Vược.

Đây là một điều rất đáng lo ngại, bởi lâu nay, đường tạm nhập tái xuất chỉ được đi qua những cửa khẩu chính. Bây giờ, đường tạm nhập tái xuất được đi qua cửa khẩu phụ, có thể khiến cho phía Trung Quốc gây khó khăn cho đường từ Việt Nam đi qua cửa khẩu này, bất kể đó là đường do Việt Nam sản xuất hay do các DN Việt Nam nhập khẩu từ nước khác rồi xuất qua Trung Quốc.

Mặt khác, không loại trừ khả năng đường tạm nhập tái xuất quay lại tiêu thụ trong nước như đã xảy ra trước đây. Khi ấy, việc tiêu thụ đường do các nhà máy trong nước sản xuất trên thị trường nội địa chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Ngoài ra, tình trạng đường nhập lậu hoạt động mạnh trở lại, khi mà nhiều trùm buôn lậu đã hợp thức hóa đường nhập lậu có nguồn gốc Thái Lan bằng cách dùng nhãn mác của các công ty đăng ký kinh doanh sản xuất, chế biến đường tại các tỉnh thành ĐBSCL như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang ..., để đưa vào TP HCM để tiêu thụ và phân phối.

Trước những thực trạng nói trên, nhằm giúp các công ty tiêu thụ tốt lượng đường tồn kho, vào ngày 30/6 vừa rồi, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi Bộ Công thương về việc “Cân đối cung cầu và điều hành XK đường 6 tháng cuối năm”.

Theo đó, căn cứ vào cân đối cung cầu 6 tháng cuối năm, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Công thương không gia hạn các giấy phép xuất khẩu đường đã cấp trong 6 tháng đầu năm 2014, thay vào đó cấp phép xuất khẩu đường 6 tháng cuối năm 2014 với số lượng 200.000 tấn bao gồm cả đường RE và RS, thời hạn xuất khẩu đến hết 31/12/2014.

Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Công thương làm tốt công tác chống buôn lậu, chế biến và kinh doanh đường trái phép, hiện vẫn diễn ra phức tạp tại một số tỉnh ĐBSCL.

Tất cả các loại đường đều có lượng tồn kho lớn: Đường luyện tồn 174.152 tấn, đường trắng 318.166 tấn, đường vàng 31.021 tấn. Xin lưu ý rằng số liệu đường tồn kho nói trên là chưa đầy đủ, bởi vẫn còn nhiều nhà máy chưa báo cáo lượng đường tồn kho về Hiệp hội Mía đường.

Nguồn Nông nghiệp Việt Nam


Sự kiện