Cẩn thận với IPO
Chưa bao giờ sàn giao dịch Hà Nội (HNX) lại chứng kiến các phiên đấu giá, chào bán cổ phần lần đầu (IPO) sôi động đến vậy. Đến cuối tháng 11, HNX đã tổ chức 81 phiên đấu giá, giúp các doanh nghiệp thu về hơn 4.800 tỉ đồng. Đó là chưa kể các đợt đấu giá tại doanh nghiệp và các công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, nếu như sự khởi sắc trong các đợt đấu giá cổ phần đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nhà nước cởi bỏ chiếc áo chật chội thì ở góc độ nhà đầu tư, đi cùng cơ hội là không ít rủi ro. Công ty Đầu tư CMC là một ví dụ. Tháng 3 năm nay, CMC đã tham gia đợt IPO của Công ty Khảo sát và Đo đạc Hà Nội. Người đứng đầu ở CMC, cho biết CMC đã mua 47% cổ phần của công ty này với giá 18.000 đồng/cổ phần, thông qua đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS).
Với việc đặt mua này, CMC gần như một mình nắm trọn số cổ phần mà Khảo sát và Đo đạc Hà Nội đã chào bán và sẽ là cổ đông lớn nhất tại đây sau cổ phần hóa. Mức giá chào mua thành công của CMC cũng cao hơn giá khởi điểm đến 80%.
Tuy nhiên, đã 8 tháng kể từ ngày CMC mua cổ phần ở Khảo sát và Đo đạc Hà Nội, mọi thứ vẫn im lìm. Lý do là công ty này đang bị 2 cá nhân khiếu nại về kết quả bán đấu giá lần đầu. Theo đó, Khảo sát và Đo đạc Hà Nội bị cho là đã vi phạm quy định về số ngày nộp, trả lại tiền đặt cọc, nộp tiền trúng thầu chưa phù hợp quy định... Với lập luận này, 2 cá nhân kiến nghị hủy kết quả đấu giá nói trên.
Trong khi đó, mới đây, trong văn bản được gửi lên Ủy ban Nhân dân Hà Nội - cơ quan chủ quản của Khảo sát và Đo đạc Hà Nội, Ban chỉ đạo Cổ phần hóa Công ty khẳng định “chưa có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư tham gia đấu giá, cuộc đấu giá diễn ra đúng quy trình thủ tục, minh bạch công khai, thu đủ tiền bán cổ phần, đã công bố thông tin cho nhà đầu tư biết trước khi diễn ra đấu giá...“. Từ những căn cứ này, kết quả đấu giá của Công ty Khảo sát và Đo đạc Hà Nội được cho là hợp lệ. Đôi bên dùng dằng và đều bảo lưu ý kiến nên Công ty Khảo sát và Đo đạc Hà Nội đành phải chờ ý kiến của Ủy ban Nhân dân Hà Nội mới triển khai bước tiếp theo.
Vấp phải khiếu nại, Công ty Khảo sát và Đo đạc Hà Nội đã bị chậm trễ quá trình hoàn tất cổ phần hóa so với kế hoạch nhưng người bị thiệt hại hơn cả là CMC. CMC như ngồi trên đống lửa vì đã chi ra khoản tiền lớn nhưng lại chưa thấy “rục rịch” gì. Đại diện CMC lo lắng, lẽ ra giờ này, Công ty Khảo sát và Đo đạc Hà Nội phải thực hiện các bước quy định sau IPO như tổ chức đại hội đồng cổ đông... để CMC bắt tay thực hiện kế hoạch sau khi bỏ vốn đầu tư vào đây.
Công ty Khảo sát và Đo đạc Hà Nội là doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ 20 tỉ đồng, được định giá ở mức khoảng 34,5 tỉ đồng và hoạt động ở 3 mảng chính là đo đạc, tư vấn, giáo dục. Doanh thu trung bình 3 năm qua của Công ty chỉ khoảng 25 tỉ đồng/năm. Mục tiêu kinh doanh sau cổ phần hóa vẫn không có gì thay đổi. Nhưng Công ty có tài sản đáng chú ý là lô đất 1. 204 m2 tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Tài sản này được thuê với thời hạn 50 năm, tính từ năm 2008. Theo dự kiến, sau cổ phần hóa, Công ty sẽ liên doanh xây trụ sở trên khu đất này.
CMC có lẽ đã nhìn thấy những điểm đặc biệt ở Công ty Khảo sát và Đo đạc Hà Nội để đầu tư vào đây. Nhưng CMC không ngờ đến rủi ro phát sinh khiếu kiện dẫn đến mọi kế hoạch bị án binh bất động và khoản đầu tư của CMC bị “ngâm” 8-9 tháng nay. Cả CMC lẫn Công ty Khảo sát và Đo đạc Hà Nội đều muốn giải quyết sớm vấn đề này.
Một rủi ro khác khi mua cổ phần lần đầu là nhà đầu tư có thể bị đơn vị chào bán cổ phần che giấu bớt thông tin. Điển hình là việc Công ty Khoáng sản Việt Nam (TKV) không đề cập đến vụ kiện tranh chấp với Eximbank Thái Lan trong công bố thông tin khi tiến hành IPO Công ty KLM Thái Nguyên (TMC), công ty con của TKV.
14 năm trước, KLM Thái Nguyên và một công ty nữa tham gia bảo lãnh cho Công ty Liên doanh Kẽm Việt - Thái vay của Eximbank Thái Lan hơn 9 triệu USD. Sau đó, Liên doanh Kẽm Việt - Thái lâm vào tình trạng phá sản, không trả được nợ; công ty bảo lãnh kia cũng không còn địa chỉ. Vì thế, Eximbank Thái Lan đã khởi kiện KLM Thái Nguyên ra Viện Trọng tài Thái Lan đòi nợ cả gốc lẫn lãi. TMC tham gia tố tụng vụ kiện với tư cách là bị đơn. Sau 8 tháng khi phát sinh vụ kiện, TKV quyết định cổ phần hóa TMC nhưng Ban cổ phần hóa đã giấu nhẹm thông tin về khoản bảo lãnh này.
Lý do TKV đưa ra là “việc đưa thông tin liên quan đến tranh chấp vào bản công bố thông tin và phương án cổ phần hóa có thể gây bất lợi, nguy hại đến quyền lợi TMC do dễ bị hiểu lầm là thừa nhận trách nhiệm và nghĩa vụ trong tranh chấp”. Chính việc không đưa thông tin đã gây bức xúc cũng như thiệt hại cho nhà đầu tư.
Một số công ty lại giấu thông tin theo hướng kém minh bạch tài chính... Số khác IPO xong lại không thực hiện niêm yết cổ phiếu. Tất cả những điều này đã gây khó khăn cho nhà đầu tư trong giao dịch, chuyển nhượng cổ phần đã mua. Giá trị cổ phiếu sau IPO cũng lình xình.
Do đó, để hạn chế phần nào rủi ro khi tham gia IPO, nhà đầu tư cần cẩn thận tìm hiểu thông tin và quy trình thủ tục, xem uy tín của đơn vị tổ chức đấu giá, đánh giá được tiềm năng doanh nghiệp, khả năng lãnh đạo, nắm được các bước triển khai trong tương lai của công ty...
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, lưu ý nhà đầu tư cần tìm hiểu khía cạnh pháp lý của công ty và đợt đấu giá, tìm hiểu giới hạn thời điểm chuyển giao sở hữu, đặc biệt chú ý đến điều lệ công ty để giảm thiểu rủi ro trong tham gia IPO. Bởi nhiều trường hợp, nhà đầu tư dù mua lượng lớn cổ phần vẫn không có quyền hạn gì do công ty trực thuộc đơn vị khác và quyền bổ nhiệm thuộc về công ty mẹ. Nếu nhà đầu tư gặp rủi ro và bị thiệt hại từ tham gia IPO thì có thể dùng đến quyền chất vấn, thậm chí khởi kiện.
Viết Nguyên