Mai Hân Thứ Ba | 18/10/2016 12:30

Cẩn thận kẻo mất thị trường Mỹ!

Cứ 2 hạt điều được tiêu thụ ở Mỹ, có 1 hạt đến từ Việt Nam.

Sau thời gian dài xuất khẩu mạnh vào Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đang có xu hướng dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vì thế, các nước xuất khẩu vào thị trường lớn này, trong đó có Việt Nam, sẽ bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Malaysia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Indonesia có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng cao trong quý I vừa qua. Trừ Việt Nam, 4 nước còn lại đều có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Như vậy, thị trường Mỹ đã quay trở lại vị trí số 1 sau một thời gian dài bị Trung Quốc vượt qua. Ngoài lý do đồng USD tăng mạnh khiến hàng hóa các nước Đông Nam Á vào Mỹ rẻ hơn, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Mỹ cũng tăng cao hơn trước và thu hút nhiều nhà xuất khẩu.

Theo số liệu của Ngân hàng CIMB Private Banking, xuất khẩu từ Singapore sang Mỹ đã tăng 10% trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do nhu cầu về dược phẩm cũng như các thiết bị liên quan tại Mỹ tăng lên. Các nước khác có mức tăng thấp hơn. Riêng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ cũng tăng 21% trong cùng kỳ. Trong đó, nhiều mặt hàng vẫn tăng trưởng đều như gỗ, điều, thủy sản, da giày…

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), chia sẻ, trong 5 tháng đầu năm, Mỹ đã vượt Trung Quốc vươn lên trở thành thị trường tiêu thụ hàng đầu sản phẩm điều của Việt Nam. Một tờ báo của Mỹ đã ví, cứ 2 hạt điều được tiêu thụ ở Mỹ, có 1 hạt đến từ Việt Nam.

Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu cá tra và tôm lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 8 tháng đạt 254,5 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, giá cá tra còn tăng 6-7 USD/kg, cao nhất kể từ 2 năm trở lại đây. Hết tháng 8 vừa qua, kim ngạch tôm xuất khẩu đạt 435,3 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng nhập khẩu tôm từ Việt Nam do nhu cầu thị trường này tăng, trong khi các nguồn cung khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu dẫn tới giá xuất khẩu tăng.

Theo khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ, với kim ngạch hằng năm lên tới hơn 2 tỉ USD, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Mức tăng trưởng trung bình 10-15%/năm.

Can than keo mat thi truong My!
 

Các con số trên đều cho thấy Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho sản phẩm của Việt Nam. Nhưng thực tế, xuất khẩu vào thị trường Mỹ không trải đầy hoa hồng. Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo hạn chế xuất khẩu gạo sang Mỹ, vấn đề xuất khẩu gạo sang Mỹ lại một lần nữa được tranh luận gay gắt. Vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra dẫn chứng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, đã có 95 container tương đương 1.700 tấn gạo của Việt Nam bị trả về do có các chỉ số dư lượng chất bảo vệ thực vật. Những lô hàng này đều là sản phẩm gạo có chất lượng cao như gạo thơm, gạo tấm giống jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao. FDA đã tìm ra 8 hoạt chất có trong lô gạo đều vượt mức cho phép của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Mặc dù vậy, không phải đến bây giờ gạo Việt Nam xuất vào Mỹ mới bị trả về. Theo thống kê của FDA, từ năm 2012 đến tháng 8.2016, có 16 doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo bị trả về với tổng cộng 412 container. Rõ ràng, nếu không có giải pháp kịp thời, gạo Việt đứng trước nguy cơ bị cấm cửa hoàn toàn vào Mỹ. Cùng thời điểm, thuế chống bán phá giá, chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ và áp lực cạnh tranh với các loại cá thịt trắng sẽ là những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam tiếp tục giảm.

Việc áp thuế chống bán phá giá lần thứ 11 của Bộ Thương mại Mỹ lên cá tra đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chùn bước. “Với mức thuế lên đến 0,6 USD/kg trong lần áp thuế vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp cá tra Việt Nam không thể bán cá tra vào Mỹ”, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt  Nam (VASEP), cho biết. Cũng như cá tra, tôm của Việt Nam cũng hẹp đường vào Mỹ vì thuế chống bán phá giá trong thời gian tới đây.

Can than keo mat thi truong My!
 Nếu không có giải pháp kịp thời, gạo Việt đứng trước nguy cơ bị cấm cửa hoàn toàn vào Mỹ. Ảnh: thanhtra.com.vn

Bên cạnh đó, Mỹ cũng mới triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra Việt Nam. Theo đó, từ tháng 9.2017, nếu các nước không nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và chứng minh về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thì sẽ không được tiếp tục xuất khẩu. Đây sẽ là một thách thức cho việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ.

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Long Sơn, cho biết: “Mỹ là một thị trường rất lớn và trước đây là một thị trường dễ tính. Nhưng sắp tới, Mỹ sẽ áp dụng luật mới, các doanh nghiệp bán sản phẩm phải chịu trách nhiệm đến người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, việc xuất khẩu hạt điều vào thị trường Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức”.

Ngành thép với hy vọng vươn ra biển lớn và kỳ vọng vào thị trường Mỹ nhưng vừa qua Mỹ cũng bắt đầu kiện chống bán phá giá với 2 sản phẩm thép nhập từ Việt Nam với mức thuế 200% và 256% vì nghi là hàng Trung Quốc “đội lốt”. Ủy ban Chống bán phá giá thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc cũng đã ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép mạ hợp kim từ Việt Nam vào ngày 7.10 vừa qua.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang hy vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dường (TPP) sắp tới sẽ giảm phần nào khó khăn cho sản phẩm Việt khi vào thị trường Mỹ.

Mai Hân