Thứ Hai | 04/05/2015 08:48

Cần quy tắc hành xử cho nỗ lực tăng giá cao su

Một lần nữa các nhà sản xuất cao su chủ chốt châu Á lại cố gắng tăng giá cao su. Lần này có gì khác?

Lần này là bằng cách hạn chế nguồn cung và nỗ lực phá vỡ mối liên kết giữa giá vật chất và giá kỳ hạn.

Rõ ràng, giá cao su châu Á đã tăng kể từ khi ít nhất 10 công ty sản xuất hàng đầu hồi đầu tháng 4 tuyên bố họ dự định tăng giá bán và phá vỡ hệ thống gắn kết họ với giá chuẩn do sàn giao dịch SICOM Singapore thiết lập.

Giá hợp đồng SICOM đã tăng 7% từ mức thấp nhất 6 năm qua ở 1,35 USD/kg ghi nhận trong tháng 1/2015 - mức giá tái diễn vào hôm 9/4 - lên 1,445 USD/kg hôm thứ Ba 28/4 vừa qua. Như vậy, vẫn thấp hơn 5,8% so với giá hồi đầu năm và khoảng ¼ so với giá cao kỷ lục hồi tháng 2/2011.

Các mức giá tiêu chuẩn khác trong khu vực cũng tăng với giá hợp đồng TOCOM hôm 28/4 lên cao nhất 5 tuần, đạt 216,7 yên (1,82 USD)/kg, trong khi giá trên Sàn Thượng Hải đạt 14.370 nhân dân tệ (2.318 USD)/tấn, tăng 16% so với giá hôm 9/4/2015.

Giá tăng khá ấn tượng, nhưng liệu có bền vững hay không còn phụ thuộc vào việc các nhà sản xuất cao su có khả năng làm điều gì đó mà họ không thể làm trong quá khứ, như giữ quy định về nguồn cung trong một thời gian dài.

Sri Trang Agro-Industry và Halcyon Agri Corp - chiếm gần 1/5 tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu - đã hợp tác với ít nhất 8 nhà sản xuất khác trong nỗ lực tăng giá cao su.

Các nhà sản xuất này dự định tăng giá cao su trong nửa cuối năm nay và một số có thể ngừng cung cấp hàng cho hệ thống SICOM và thay vào đó là đàm phán trực tiếp với người mua, chủ yếu là các nhà sản xuất lốp xe.

Người phát ngôn của Sri Trang cho biết, giá cao su trên sàn SICOM không còn phản ánh đúng chi phí sản xuất cao su trên thực tế và công ty cũng sẽ dừng giao hàng cho sàn SICOM.

Sri Tang là nhà sản xuất cao su lớn nhất thế giới với công suất hàng năm khoảng 1,2 tấn – tương đương sản lượng của Malaysia - nước sản xuất cao su lớn thứ 3 thế giới.

Halcyon cũng sẽ dừng cung cấp cao su cho sàn SICOM, và một số công ty khác cũng sẽ làm như vậy.

Đây có thể là thông tin xấu đối với thanh khoản trên sàn SICOM.

Các hãng sản xuất lốp xe quy mô lớn thường rất linh hoạt trong việc tìm nguồn cung cấp khác và có thể từ chối trả mức giá cao hơn như mong muốn của các nhà sản xuất.
 
Và trong cuộc chơi này, người thắng cuộc sẽ là người có khả năng trụ được lâu nhất.

Xét đến tình trạng dư cung cao su thiên nhiên toàn cầu và lượng hàng lưu kho lớn như hiện nay, dường như các nhà sản xuất lốp xe đang có được lợi thế hơn các nhà sản xuất cao su thiên nhiên, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Tồn kho giảm, nhu cầu diễn biến trái chiều

Tồn kho cao su thô tại các cảng biển Nhật Bản tính đến 10/4 đạt 11.182 tấn, giảm 3,8% so với thời điểm 31/3. Tồn kho đang giảm sau khi đạt trên 22.000 tấn hồi tháng 5/2014, nhưng vẫn ở mức khá cao.

Tồn kho cao su tại Sàn Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm, tính đến 24/4 đạt 134.309 tấn, giảm so với 207.658 tấn hồi đầu tháng 2. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn nhiều so với 10.291 tấn trong tháng 5/2011.

Nhu cầu cao su của Trung Quốc - nước tiêu thụ lớn nhất thế giới - đến nay vẫn khá ảm đạm, với khối lượng nhập khẩu trong quý I giảm 23,6% xuống 614.973 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp doanh số bán ôtô tiếp tục tăng, tuy có chậm hơn ở 3,9% trong quý I so với cùng kỳ 2014.

Tuy vậy, tin tức khá lạc quan là nhu cầu cao su của Mỹ và EU đang tăng trở lại.

Tuy nhiên, Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) dự báo nguồn cung cao su thiên nhiên năm 2015 sẽ tăng 5%, sau khi giảm trong năm 2014 – lần đầu tiên sau hơn nửa thập kỷ.

Cơ sở để ANRPC đưa ra dự báo này là giá tăng sẽ kéo sản lượng tăng theo. Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn với kế hoạch cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên của các công ty cao su.

Những nỗ lực trước đây của chính phủ các nước sản xuất chủ chốt, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, không đạt được thành công như mong đợi, chủ yếu do việc chính phủ mua tạm trữ càng khiến tình trạng dư cung trầm trọng hơn.

Các công ty cao su có thể có thành công hơn, nhưng họ phải có đủ tiềm lực tài chính để “sống sót” trong một thời gian dài với doanh số bán thấp hơn và cổ đông của họ phải đủ dũng cảm mạo hiểm việc mất thị phần vào đối thủ cạnh tranh.

Nguồn NCĐT/Reuters