Thứ Tư | 01/08/2012 09:46

Cần quản lý thật chặt việc vay nợ của DNNN

Việc DNNN vay nợ khá dễ dãi, đặc biệt vay từ ngân hàng thương mại, đã khiến DNNN đầu tư ngoài ngành tràn lan, kém hiệu quả, làm mất vốn nhà nước.
Báo Đầu tư ngày 1/8 đăng bài phỏng vấn TS. Phạm Thế Anh, quyền Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) về một số vấn đề trong vay nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo bài phỏng vấn, TS. Phạm Thế Anh cho biết, dù theo Luật Quản lý nợ công, nợ công chỉ gồm nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và nợ do Chính phủ bảo lãnh, tuy nhiên Chính phủ thường phải đứng ra hỗ trợ khi DNNN làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ đúng hạn.

Hậu quả của việc vay nợ khá dễ dãi, đặc biệt là vay của ngân hàng thương mại, đã dẫn tới tình trạng DNNN đầu tư ngoài ngành tràn lan, đầu tư kém hiệu quả, làm mất vốn nhà nước. Chính vì vậy, trong đề tài nghiên cứu “Nợ công Việt Nam: quá khứ - hiện tại - và tương lai” mà Viện Chính sách công và quản lý đang thực hiện theo “đơn đặt hàng” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị phải quản lý thật chặt việc vay nợ của DNNN để kiểm soát được nợ công.

TS. Phạm Thế Anh dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho biết, nợ nước ngoài mà Chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN vào năm 2010 là 4.642,74 triệu USD, tương đương 14,3% tổng nợ nước ngoài của Việt Nam. Như vậy, trong vòng 5 năm kể từ 2006, số nợ do Chính phủ bảo lãnh cho DNNN đã tăng chóng mặt.


Về việc Chính phủ có nên bảo lãnh để DNNN huy động vốn trên thị trường quốc tế, TS. Phạm Thế Anh cho rằng vấn đề đặt ra là khoản nợ này có được đầu tư hiệu quả không, dự án đầu tư từ nguồn vay nợ có khả năng trả nợ không? Nếu không thì phải cân nhắc lại việc bảo lãnh, bởi nếu tiếp tục bảo lãnh sẽ khó có thể bảo đảm được mục tiêu đến năm 2020, nợ công không quá 65% GDP; dư nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP như mục tiêu được đặt ra.

Tiến sĩ cũng cho biết thêm, song song với cơ quan quản lý thống nhất về nợ công của Chính phủ (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính), nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất thành lập Ban Giám sát nợ công trực thuộc Ủy ban Kinh tế hoặc Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Việc thành lập Ban Giám sát nợ công cho phép theo dõi và giám sát nợ công một cách sát sao, khách quan và độc lập. Ban Giám sát nợ công được quyền truy cập mọi thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của các bộ ngành, địa phương, DNNN, để từ đó có những tham mưu kịp thời cho Quốc hội.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện