Ảnh: TL

 
Hoàng Vân Thứ Hai | 28/10/2019 16:00

Cận ngày khởi công, sân bay Long Thành vẫn chưa quyết được vốn

Xoay xở nguồn vốn lên tới hàng tỉ USD để xây dựng sân bay Long Thành vẫn gây ra nhiều tranh luận.

Sân bay quốc tế Long Thành có thể khởi công vào năm 2021, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 nhằm thay thế cho sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nghiêm trọng. Mức đầu tư của siêu dự án này dự kiến là 111.689 tỉ đồng, tương đương 4,779 tỉ USD.

Vấn đề được quan tâm lúc này là nhu cầu và khả năng huy động vốn cho sân bay tầm cỡ khu vực khi hoàn thành có tổng đầu tư lên đến 16 tỉ USD. Phương án vay vốn ODA đã bộc lộ kém hiệu quả, không chỉ làm tăng nợ công mà kèm theo nhiều ràng buộc khiến chi phí dự án đội lên, do vậy Chính phủ không chọn hình thức đầu tư này. Thay vào đó, Chính phủ muốn đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1.

 

Tuy nhiên, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Ðấu thầu phải thực hiện đấu thầu để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Việc giao ACV đầu tư, khai thác cảng cũng cần phải được Quốc hội thông qua. Nhiều chuyên gia đánh giá, phương án đấu thầu chọn nhà đầu tư là hiệu quả, minh bạch nhất, cần được áp dụng tại các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành. Vấn đề là cơ quan nhà nước cần quy định hợp đồng chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình, không đội giá. Phương án giao cho ACV làm chủ đầu tư xây dựng sân bay không có sự cạnh tranh.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, các cảng hàng không mới trong khu vực như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Incheon (Hàn Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia)... đều được doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần với sự tham gia của các tổ chức nhà nước, hoặc doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối đầu tư. Sau đầu tư, Nhà nước có thể bán một phần vốn nhà nước.

ACV, có 95,4% thuộc sở hữu nhà nước, là doanh nghiệp hưởng lợi rất lớn từ việc thị trường hàng không Việt Nam bùng nổ trong những năm qua. Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2018, doanh thu của ACV tăng từ 13.172 tỉ đồng vào năm 2015 lên 16.089 tỉ đồng trong năm 2018. Vì thế, với nguồn tiền mặt dồi dào, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV, cho biết, ACV đã chuẩn bị và cân đối nguồn lực đồng thời chuẩn bị phương án khai thác khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động. ACV là nhà quản lý 21 cảng hàng không cả nước, nên doanh nghiệp này đầu tư và quản lý cảng hàng không Long Thành sẽ tạo kết nối đồng bộ với các sân bay khác.

Dự kiến ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỉ đồng, chiếm 37% tổng vốn đầu tư, số vốn còn lại ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỉ USD. Được biết, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thỏa thuận hợp tác về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỉ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình 5-5,5%/năm, thông qua nhiều hình thức, trong đó có phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo phương án tài chính, nếu được giao là nhà đầu tư, khai thác, hằng năm ACV sẽ có thêm nguồn thu từ 2.390-4.780 tỉ đồng (tương đương 100-200 triệu USD). Người đứng đầu ACV đưa ra con số cho rằng, báo cáo nghiên cứu khả thi của nhóm tư vấn và của ACV cho thấy, dự án sẽ thu hồi vốn trong vòng 12 năm 10 tháng. Theo kế hoạch năm 2025 đưa vào khai thác, lượt khách thông qua ước đạt 22-23 triệu (so với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25 triệu khách). Chưa kể, nguồn doanh thu từ dịch vụ hàng không, đặc biệt là dịch vụ phi hàng không tại nhà ga ở các sân bay lớn trên thế giới có lợi nhuận chiếm tới 83%.

 

Tuy nhiên, phương án này cũng có những đánh giá cho thấy nhiều rủi ro tài chính cho ACV trong trường hợp sân bay thực tế khai thác không được như tính toán. Vì vậy, ACV không thể có lãi từ hoạt động của sân bay Long Thành để trả nợ vay vốn quốc tế cho giai đoạn 1. Đó là chưa xét đến tính khả thi của các giai đoạn 2 và 3 sau đó. Các ủy ban thuộc Quốc hội cũng lo ngại ACV đang đầu tư quá nhiều dự án lớn, không tập trung nguồn lực tốt nhất dành cho sân bay Long Thành.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận thấy, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ. Nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư tư nhân, dự án sân bay Long Thành có quá nhiều rủi ro cho việc đầu tư của họ. Nhiều hạng mục có chỉ số nội hoàn tài chính FIRR thấp hơn 10% thì sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. Ông Tony Tyler, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cảnh báo rằng Việt Nam cần cẩn trọng với việc cổ phần hóa các sân bay vì nhà đầu tư tư nhân có thể vì lợi nhuận mà đẩy chi phí đắt đỏ hơn, khiến sân bay kém cạnh tranh.