Cần hình thành cơ quan giám sát tài chính hợp nhất
Ông Phạm Quang Thái, Ban Giám sát Tổng hợp (NFSC) cho rằng yêu cầu cấp thiết hình thành cơ quan giám sát tài chính hợp nhất để giám sát dòng tiền luân chuyển giữa các thị trường tài chính gồm thị trường tiền tệ-ngân hàng, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm… để sớm phát hiện, điều tiết, và xử lý các rủi ro chéo, sở hữu chéo.
Thêm nữa, cơ quan giám sát phải có tính độc lập với thị trường để đảm bảo việc giám sát không thiên vị và công bằng. Cơ quan hoạch định, ban hành chính sách cần tách rời cơ quan giám sát nhằm ngăn ngừa rủi ro xung đột lợi ích trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Do đó, cơ quan ban hành chính sách không nên thực hiện giám sát vi mô các định chế tài chính.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Tô Ngọc Hưng cho rằng nên hình thành một cơ quan giám sát tài chính theo mô hình hợp nhất tại Việt Nam trong tương lai. Theo đó, phát triển NFSC hiện tại trở thành bộ phận quản lý Nhà nước trong hoạt động giám sát tài chính cùng với lộ trình tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về giám sát tài chính cho NFSC song song với củng cố các cơ quan giám sát chuyên ngành.
Hiện tại, những quy định mang tính pháp lý về hoạt động dành cho NFSC là tương đối hạn chế và chưa cụ thể. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác thực hiện chức năng giám sát của NFSC với tư cách là một cấu phần của hệ thống giám sát tài chính quốc gia, ông Hưng nói.
Từ kinh nghiệm quốc tế, TS Nguyễn Đại Lai cho biết, các nước trên thế giới đang tồn tại nhiều mô hình giám sát khác nhau. Trong số những nước áp dụng mô hình cùng lúc có nhiều cơ quan giám sát theo từng nhóm đầu tư tài chính, thì nước Mỹ duy trì cách tiếp cận bằng rất nhiều Công ty giám sát độc lập theo từng nhóm đối tượng riêng.
Tuy vậy, các tổ chức nói trên mới chỉ là các “diễn đàn”, không có thẩm quyền, không quyền tài phán hay quyền lực nhà nước để chia sẻ thông tin một cách có hệ thống đủ để đánh giá hoặc vạch ra chính sách chống rủi ro một cách chiến lược, bài bản và có hiệu lực cho toàn thị trường tài chính vốn rất phức tạp. Vì vậy, nước Mỹ hiện nay một mặt dựa vào các chuẩn mực của Ủy ban An toàn Vốn Basel, một mặt cũng đang rất cần một mô hình tháp về quyền lực thực quyền trong lĩnh vực thanh tra, giám sát đồng bộ thị trường tài chính.
Từ phân tích trên, TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng thị trường tài chính đang đòi hỏi hoàn thiện thêm một bước vị thế pháp lý và quyền lực cho NFSC theo hướng là cơ quan quyền lực cấp quốc gia, trực thuộc Chính phủ, được ban hành quyết định, thông tư.
Đồng thời, cơ quan này được can thiệp vào việc tăng cường chất lượng, năng lực của bộ máy tổ chức, nhân sự cấp cao của các cơ quan thanh tra, giám sát chuyên ngành trong các thị trường bộ phận của thị trường tài chính.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc cần thực hiện lúc này là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính hiện nay thay vì đề xuất thống nhất thành một mối.
Dưới góc nhìn quốc tế, ông Daniel Zuberbuhler, cố vấn tài chính cấp cao, Tổ chức KPMG Thụy Sỹ, cho hay xu hướng phổ biến trên toàn cầu hiện nay là các cơ quan giám sát phải có tính độc lập trong vận hành.
Nguồn Chinhphu.vn