Thứ Ba | 01/10/2013 17:49

"Cân đối ngân sách tiếp tục gặp khó khăn những tháng cuối năm 2013"

Báo cáo tháng 9 của UBGSTCQG kiến nghị về lâu dài cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn để đảm bảo sự bền vững của NSNN.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2013. Báo cáo đã đưa ra các phân tích tình hình 9 tháng đầu năm cũng như dự đoán các tháng cuối năm 2013 trên các chỉ số vĩ mô chủ yếu như GDP, lạm phát, tỷ giá hối đoái và ngân sách nhà nước.

Về tăng trưởng kinh tế, báo cáo nhận định tăng trưởng GDP quý IV đạt tốc độ tăng cao hơn so với quý III do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ. Theo số liệu công bố trước đó, GDP quý III/2013 tăng 5,54% so với quý II/2013, đưa GDP 9 tháng đạt mức 5,14%.

Dù vậy, báo cáo vẫn giữ nguyên nhận định mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho cả năm 2013 sẽ vẫn khó khăn, bởi những yếu tố nền tảng tạo nên tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay đều chưa có sự hồi phụ mạnh mẽ.

Về lạm phát, lạm phát 9 tháng đầu năm 2013 được nhận định là ở mức thấp khi tăng 4,63% so với cuối năm 2012. Báo cáo chỉ ra lạm phát tăng trong tháng 8 và tháng 9 chủ yếu do tác động điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản, dịch vụ công và một phần yếu tố mùa vụ mà không chịu nhiều tác động của những yếu tố cơ bản như mở rộng chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa.

UBGSTCQG dự báo xu thế này nhiều khả năng sẽ được duy trì trong những tháng cuối năm 2013.

Về thị trường tiền tệ và ngoại hối, UBGSTCQC nhận định tỷ giá hối đoái nhiều khả năng tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm do dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng và cung cầu ngoại hối ổn định.

Về tình hình hình ngân sách, báo cáo cho rằng khả năng cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) theo kế hoạch đề ra sẽ tiếp tục gặp những khó khăn thách thức lớn trong những tháng cuối năm 2013.

UBGSTCQG kiến nghị về lâu dài cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn để đảm bảo sự bền vững của NSNN. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giảm dần đối tượng hưởng lương ngân sách để dần dịch chuyển cơ cấu chi NSNN, thiết lập sự cân bằng giữa chi thường xuyên (hiện chiếm khoảng 67% tổng chi NSNN) và chi đầu tư phát triển (hiện chiếm khoảng 18% tổng chi NSNN).

Báo cáo tháng 9 của UBGSTCQT

Nguồn Dân Việt


Sự kiện