"Cần độ trễ để kéo giá vàng trong nước gần với giá thế giới"
Ngoài phiên thứ nhất được xem như liều thuốc thử cho thị trường với chỉ 2.000 lượng vàng miếng được ra. Các phiên liên tiếp sau đó trung bình mỗi phiên có khoảng 26.000 lượng tương đương hơn 1 tấn vàng được ồ ạt bán ra. Đặc biệt, trong 2 phiên gần đây nhất mức bán ra đều được nâng lên khoảng 1,5 tấn vàng. Kết thúc 6 phiên khoảng 6 tấn vàng đã được tung ra thị trường.
Chia sẻ quan điểm về việc tăng nguồn cung vàng có giúp bình ổn thị trường hay không, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện giá trong nước cách xa giá thế giới do mức cung chưa đáp ứng được với mức cầu. Ngân hàng Nhà nước cho biết mức chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới khoảng 300.000 - 400.000 đồng/lượng là hợp lý nếu cách xa hơn mức đó sẽ có khoản đầu cơ. Yếu tố đầu cơ sẽ tạo ra điều bất ổn trên thị trường vàng.
"Về lâu dài, việc ngân hàng bơm một nguồn vàng vào nền kinh tế sẽ giúp ổn định giá vàng. Cung ngày càng tăng để đáp ứng được mức cầu thì cuối cùng bình ổn thị trường và đưa đến bình ổn giá", ông Hiếu nói.
Sau 6 phiên đấu thầu vàng miếng, giá vàng trong nước cũng giảm từ mức 43,7 triệu đồng/lượng xuống 42,9 triệu/lượng có nghĩa chưa giảm tới 800.000 đồng/lượng. Trong khi đó, nếu so sánh với giá vàng thế giới trong 2 tuần qua thì một điều trái ngược là chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới lại đang ngày một tăng lên.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Việc đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Trung ương đã tác động đến giá vàng trong nước đó là giá vàng đã có chiều hướng giảm xuống. Tuy nhiên do giá vàng thế giới giảm sâu nên nó kéo giãn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới".
Ông Hiếu cũng cho rằng, 6 tấn vàng Ngân hàng đưa ra là một lượng đáng kể nhưng để cung cầu trong nước có thể sát lại với nhau thì cần lượng vàng lớn hơn nhiều. Nếu nhà nước bơm ra lượng tiền đúng với cung cầu thì bình ổn giá sẽ được thực hiện.
Nguồn VTV