Cần đạo luật riêng cho tập đoàn thuộc Nhà nước?
Theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, nhiệm vụ của dự án Luật là phát triển vốn nhà nước tại 4 lĩnh vực: công ích, quốc phòng, an ninh, lĩnh vực độc quyền Nhà nước và dự án ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác. Những gì còn tồn tại đến nay sẽ được sắp xếp lại theo khuôn khổ của Luật này.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, dự án Luật chưa giải quyết được vấn đề căn bản, tồn tại trong thực tiễn đầu tư. Cụ thể, những rủi ro, đầu tư thiếu hiệu quả vừa qua chủ yếu xảy ra trong các DN 100% vốn nhà nước. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc quản lý còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ. Do đó, Luật phải quy định chi tiết để khắc phục hạn chế, nâng cao tính hiệu quả, sức cạnh tranh cho DNNN.
TS. Trần Du Lịch cho hay, ở một số nước khác, những tập đoàn thuộc Nhà nước đều có những đạo luật riêng, mỗi năm đều phải báo cáo Quốc hội, từ đó Quốc hội có cơ sở để đưa ra quyết định bao nhiêu phần trăm lợi nhuận Nhà nước giữ lại, bao nhiêu phần trăm lợi nhuận DN được sử dụng để tái đầu tư. Điều này là hợp lý, bởi tiền thực chất là của dân, Quốc hội là đại diện nên phải giám sát chặt chẽ. Thực tế cho thấy, đa phần Ban kiểm soát không phát huy được vai trò của mình, HĐQT "bảo sao nghe vậy".
Theo đó, TS Lịch đề xuất, cần đưa thêm nội dung về tiêu chuẩn Ban kiểm soát, chẳng hạn thành viên Ban kiểm soát phải là những kiểm toán viên có giấy phép hành nghề và do Bộ Tài chính cử ra.
"Với DN 100% vốn nhà nước thì dù đầu tư lớn hay nhỏ cũng phải công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động", TS. Lịch nói.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, cần có sự phân định chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý DN.
Hiện trong dự án Luật, hầu như mọi quyết định của cá nhân người đại diện vốn nhà nước đều phải xin ý kiến, trong một số trường hợp sẽ làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Vì vậy, các đại biểu đề nghị có sự ràng buộc với các cơ quan cho ý kiến trong khoảng thời gian bao lâu phải trả lời việc xin ý kiến, nếu quyết định sai thì trách nhiệm cụ thể như thế nào.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op nhận xét, về góc độ DN, cơ quan có thẩm quyền cao nhất về quản lý vốn tại DN là ĐHCĐ, nhưng đối với trường hợp là DNNN thì cơ quan có thẩm quyền cao nhất chưa được nêu rõ. Theo ông Hòa, cách tiếp cận vấn đề cũng phải thể hiện được sự tách bạch giữa chức năng quản lý DN và quản lý nhà nước, bởi việc giao vai trò quyết định những vấn đề sản xuất - kinh doanh của DN cho ĐHCĐ thì ai cũng hiểu, nhưng đối với quản lý nhà nước thì lại rất khác. Dù Quốc hội hay Chính phủ quyết những vấn đề trên, cũng nên thành lập một đơn vị quản lý để thực hiện nhiệm vụ này.
Về nội dung: "HĐTV hoặc Chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của DN trên BCTC quý/năm gần nhất", trong Điều 12 về đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định, ông Hòa cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét lại cách phân cấp, bởi tại CTCP, HĐQT hoặc HĐTV quyết định mua các tài sản không quá 50% tổng giá trị tài sản ghi tại BCTC hợp nhất, tức lấy giá trị tài sản để phân cấp.
Theo TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đến cuối năm 2013, cả nước có hơn 1.200 DN có 100% vốn nhà nước, 1.500 DN có vốn nhà nước trên 50% và khoảng 1.000 DN có vốn nhà nước dưới 50%. Tổng số vốn nhà nước tại các DN vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 30 - 40% GDP. Do đó, quản lý số vốn này cực kỳ quan trọng trong bối cảnh ngân sách có dấu hiệu căng thẳng, nợ công tăng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Ban soạn thảo tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán