Cần cuộc “đại phẫu thuật” để minh bạch giá điện, xăng dầu
Cú đúp tăng giá xăng 1.600 đồng/lít và điện tăng 7,5% đang làm nóng dư luận với những phản ứng đa chiều. Phát biểu trong cuộc tọa đàm trực tuyến đang diễn ra trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chiều nay, với chủ đề “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần một cuộc đại phẫu thuật để minh bạch giá xăng, điện mỗi khi tăng, giảm để người dân có thể đồng thuận.
Cần đại phẫu giá xăng, điện
Lý giải đề xuất này, ông Ngô Trí Long cho rằng: Từ 2007 đến nay, nước ta đã tăng giá điện nhiều lần, đặc biệt lần này tăng biên độ lớn nhất so với 4 lần trước đó. Thực tế, người tiêu dùng không phải không chia sẻ khó khăn với ngành điện mà là chưa thấy sự minh bạch về giá cả nên chưa đồng thuận.
Tăng giá điện tác động mạnh đến sản xuất, tiêu dùng (Ảnh minh họa: KT)
Theo ông Long, đây chính là bất cập lớn nhất. Cho nên, muốn có sự đồng thuận của người dân, cần có minh bạch giá cả. Để minh bạch giá xăng, điện và có được sự đồng thuận từ người dân mỗi khi điều chỉnh giá, “cần cuộc đại phẫu thuật về giá do cơ quan chức năng chuyên môn, chuyên gia độc lập thực hiện. Còn hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước nói về minh bạch giá điện, xăng vẫn chưa thực sự đứng ở vị thế trung gian”.
Ông Long còn chỉ ra rằng, qua kết quả kiểm toán đã công bố đợt tháng 7/2014 cho thấy, ngành điện làm ăn không hiệu quả khi đầu tư ngoài ngành, năng suất lao động kém... Các khoản lỗ này do chủ quan điều hành tạo ra, tức là do quản trị kém. Nhưng lỗ đó đã tính vào giá điện và đổ cả lên đầu người tiêu dùng gánh.
Muốn giảm tác động tiêu cực, hãy giảm tiêu hao
Dư luận và giới chuyên gia lo ngại việc tăng giá điện được lý giải là do tăng giá nhiên liệu đầu vào, bù chênh lệch lãi suất, tỷ giá.... nhưng còn có chi phí khác như tổn hao điện năng, năng suất lao động thấp cũng tính vào giá thành... Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, tăng giá điện lần này ở mức 7,5% là mức thấp nhất trong các kịch bản đưa ra và đã tính đến các tác động về tăng trưởng GDP, CPI... và mức này là phù hợp.
Còn ý kiến rằng, cùng lúc tăng giá điện, xăng có thể tác động đến giá nhiều hàng hóa thiết yếu khác, đặc biệt là chi phí đầu vào sản xuất, ông Tuấn lý giải: Giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, bám sát tín hiệu xăng dầu thế giới. Cho nên, việc điều chỉnh tăng giảm theo thị trường. Đợt này, tăng cả điện và xăng cùng thời điểm chỉ là ngẫu nhiên theo tín hiệu thị trường, nhưng đã có tính toán kỹ rồi.
Cho nên, muốn giảm tác động tiêu cực từ tăng giá xăng, điện, ông Tuấn đề nghị: Các doanh nghiệp sản xuất cần điều chỉnh công nghệ sản xuất, tiết giảm tiêu hao nhiên nhiệu để giảm tác động của giá xăng dầu. Đặc biệt, cần công khai niêm yết giá, và cơ quan quản lý kiểm soát chặt chi phí đầu vào sản xuất để xử lý nghiêm hành vi tăng giá sản phẩm, dịch vụ bất hợp lý.
Giá xăng lẽ ra phải tăng tới 3.500 đồng/lít
Từ góc độ nhà quản lý thị trường, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phân tích: Theo cơ chế thị trường, giá phản ánh đầy đủ các chi phí cấu thành và bám sát giá thế giới. Quy định về điều chỉnh giá xăng đã quy định rất rõ trong Nghị định 83.
Liên quan đến đợt điều chỉnh giá xăng lần này, ông Quyền cho biết, nếu theo thị trường thế giới, giá xăng phải tăng nhiều hơn, tới 3.500 đồng/lít, nhưng do nước ta có sử dụng Quỹ bình ổn nên chỉ tăng ít hơn, ở mức 1.600 đồng/lit như vừa qua.
Hơn nữa, thời gian qua, giá xăng đã điều chỉnh giảm giá 14/15 lần điều chỉnh giá gần đây. Các đợt điều chỉnh này đã có lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, có lợi cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc tăng giá xăng, điện liên quan đến chi phí đầu vào sản xuất, tiêu dùng nên sẽ tác động tới giá cả đầu ra, rộng hơn là tác động đến CPI toàn quốc. Do đó, Chính phủ cho điều chỉnh giá là theo tín hiệu của thị trường, theo nguyên tắc thị trường nhưng đảm bảo có lợi nhất cho người tiêu dùng.
Nguồn VOV