Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân
Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng được mở rộng tại Việt Nam, việc phát triển nguồn lực nội tại, trọng tâm là các doanh nghiệp tư nhân, đang trở thành đòi hỏi bức thiết.
Đầu năm mới 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam câu chuyện xoay quanh chủ đề này.
- Năm 2015 được coi là năm của hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mức độ thích ứng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Hội nhập quốc tế mạnh mẽ sẽ tạo ra không gian phát triển và thị trường rộng lớn hơn cho Việt Nam. Chúng ta sẽ có nhiều thị trường xuất khẩu hàng hóa với những ưu đãi cao hơn hiện nay. Điều đó sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo ra công ăn việc làm. Sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam sẽ được biết đến tại nhiều nơi trên thế giới.
Vừa qua, chúng ta đã thực hiện rất nhiều cải cách về mặt thể chế kinh tế và môi trường đầu tư theo hướng phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập cũng mang lại nhiều thách thức lớn mà chúng ta cần phải phấn đấu để theo kịp các quốc gia trong khu vực và thế giới. Môi trường kinh doanh Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, bộ máy quản trị cũng chưa sẵn sàng. Ông đặc biệt lo lắng, doanh nghiệp của Việt Nam chưa có thông tin đầy đủ về hội nhập. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.
Điều quan trọng nhất hiện nay, đó là chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho mỗi doanh nghiệp từ bé đến lớn những thông tin cần thiết về các hiệp định, giúp họ hiểu sẽ phải đối mặt với cái gì, cần có giải pháp gì để vượt qua khó khăn và làm thế nào để tận dụng được lợi thế của hội nhập quốc tế.
Trong thời gian qua, chúng ta đã thực hiện tiến trình đàm phán, tham gia hội nhập mạnh mẽ, hiệu quả nhưng khâu triển khai thông tin và tập huấn trong nước từ chính quyền địa phương, các bộ, ngành tới các doanh nghiệp chưa có những kế hoạch cụ thể. Đây là điều đáng lo và cần phải được làm ngay.
- Khu vực kinh tế tư nhân - nguồn động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, đang bị "lép vế" trước sự phát triển vững mạnh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Một nền kinh tế tự chủ cần phải có một lực lượng doanh nghiệp mạnh và chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mạnh mới có thể xây dựng được thương hiệu Việt Nam. Thời gian qua, doanh nghiệp Việt nam phát triển còn yếu, quy mô doanh nghiệp đa phần là nhỏ dẫn đến hạn chế về nguồn lực.
Năm 2014, doanh nghiệp FDI xuất khẩu chiếm 68% trong tổng số 150 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn ở góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, đây là thành quả, nhưng nếu nhìn ở góc độ sức khỏe của nền kinh tế thì đây là một điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Bản thân các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam họ cũng cần các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Giai đoạn này, chúng ta chủ động mời doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là để tạo công ăn việc làm, tạo sản phẩm, từ đó tạo tăng trưởng và ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Nắm bắt được các cơ hội từ làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp trong nước nhận được sự chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiếp thu được những tinh hoa, công nghệ mới.
Bộ trưởng thừa nhận rằng doanh nghiệp nội địa của Việt Nam chưa đủ mạnh, khả năng tiếp thu khoa học công nghệ còn yếu. Về dài hạn, chúng ta phải chăm lo nhiều hơn đến việc phát triển khu vực trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.
Nhiều người khi nhắc tới tư nhân là e ngại. Cái đó lạc hậu rồi. Bây giờ chúng ta nói nhà nước này là của dân, do dân và vì dân. Dân là người làm nên cách mạng, làm nên lịch sử, do đó cần lấy dân làm gốc. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp của dân, vậy thì chúng ta phải chăm lo đến doanh nghiệp tư nhân. Và coi đó là con đẻ của chúng ta, là sản phẩm thuần túy 100% Việt Nam.
Tại sao chúng ta lại phân biệt tư nhân không được ưu tiên bằng nhà nước. Vậy thì quan điểm vì dân, do dân là ở đâu? Đây chính là cội nguồn mà chúng ta vẫn nói. Tuy nhiên, nhiều khi vận dụng, chúng ta lại phân biệt. Vì vậy, ngay trong năm 2015, Việt Nam cần có nhiều chính sách hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân phát triển. Doanh nghiệp tư nhân phải trở thành nền tảng, động lực quan trọng nhất để đóng góp vào tăng trưởng, ổn định nền kinh tế Việt Nam.
- Theo Bộ trưởng, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi sẽ mang lại những tác động tích cực nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong 2015?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Hai Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 với những Nghị định và Thông tư hướng dẫn cụ thể. Nếu chúng ta làm tốt điều này, chắc chắn sẽ góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ môi trường thuận lợi này làm sao để doanh nghiệp có thể tạo thành làn sóng đầu tư mới hoặc những cơ hội mới cho phát triển thì không chỉ phụ thuộc vào hai Luật này. Chúng ta còn cần nhiều những chính sách khác, như chính sách về tín dụng, giải quyết nợ xấu để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn hay là những cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh khác kèm theo. Nếu chúng ta thực hiện được đồng bộ những điều này thì mới có thể tạo ra làn sóng đầu tư và phát triển doanh nghiệp tốt lên.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư và Luật Đoanh nghiệp vẫn đóng vai trò là hai luật gốc. Với những thay đổi vừa qua, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và kể cả doanh nghiệp FDI rất hoan nghênh và đánh giá cao vai trò của hai Luật này. Tôi tin rằng điều này sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
- Theo Bộ trưởng, thời gian tới, cần có thêm những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ có những hội thảo trong Bộ mà còn có các hội thảo quốc tế lớn. Gần đây nhất, diễn đàn Hợp tác đối tác phát triển (VDPF) cũng đã đưa ra hai chủ đề trong đó có chủ đề về phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Theo quan điểm của tôi, một chính sách thôi là không đủ, cần rất nhiều các chính sách khác nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Luật doanh nghiệp sửa đổi và Luật đầu tư sửa đổi lần này cũng là một trong những giải pháp tạo nền tảng quan trọng cho khối kinh tế này có thể tiếp cận thị trường dễ dàng, minh bạch trong đầu tư. Đây là giải pháp căn bản những chưa đủ, còn nhiều việc cần phải giải quyết.
Có một giải pháp mà tôi tin rằng rất quan trọng, cần phải thực hiện. Đó là tạo dựng và hỗ trợ những vườn ươm tài năng. Đây là giải pháp mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng và thành công. Chúng ta cần có những trung tâm ươm những tài năng để những người có ý tưởng kinh doanh đầu tư có môi trường đào tạo và phát triển. Kế hoạch này đang được chúng tôi quyết liệt thực hiện. Tuy nhiên, rất khó khả thi nếu dự án này không được phổ cập rộng rãi tới từng địa phương, vùng miền.
Giải pháp thức hai, đó là tạo nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ đã triển khai thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tổng số vốn cấp cho năm nay là 500 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét vấn đề cấp thêm kinh phí cho quỹ này phát triển.
Ngoài ra, cuối năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Luật dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và những chính sách này sẽ tạo ra nền tảng cho doanh nghiệp tư nhân hình thành và phát triển, góp phần mang lại những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Một giải pháp nữa cũng hết sức quan trọng, đó là tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường. Chúng ta cần cung cấp thông tin về những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và làm thế nào để giúp các doanh nghiệp có thể nhận được sự chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, chúng ta nên xem xét tới việc thành lập và nâng cấp các trường đào tạo, dạy nghề nhằm nuôi dưỡng nguồn lao động có tay nghề cho quốc gia do VCCI đứng đầu. Để làm được điều này cần sự hỗ trợ rất nhiều từ phía nhà nước. Những chính sách về tiếp cận tín dụng cũng phải được thực hiện rõ ràng, minh bạch và phải ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp tư nhân.
- Xin cám ơn Bộ trưởng.
Nguồn Vietnam+