Thứ Ba | 29/04/2014 12:47

"Cần có một chủ thuyết kinh tế riêng có của Việt Nam"

PGS. TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương đã đưa ra 6 đề xuất đối với Việt Nam trong tương lai.
Sáng nay (29/4), Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 tiếp tục thảo luận, trao đổi về chủ đề chính của diễn đàn lần này là động lực phát triển cải cách thể chế.

Phát biểu tại diễn đàn, PGS. TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra rằng, đổi mới thể chế phải là đổi mới ở toàn bộ các cấu thành của nó, từ luật pháp, bộ máy Nhà nước, thể chế chính sách, người chơi trên thị trường ...

Ông Lê Xuân Bá cũng đưa ra 6 đề xuất đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần phải có nghiên cứu chủ thuyết phát triển kinh tế riêng có của Việt Nam.

Thứ hai, nói đến thể chế là nói đến vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, nhưng đây chỉ mới là một vế. Trên cơ sở xác định rất rõ chức năng nhiệm vụ của Nhà nước thì phải phân định một cách rạch ròi công việc của các cơ quan các bộ phận cái nào là quan trọng. Cần nhất là tất cả sự phân công này cần quy định thành luật hết

Thứ ba, phải làm rõ trách nhiệm và phải có chế tài khi cơ quan công quyền không thực hiện được nhiệm vụ. Người dân phạm lỗi thì phải chịu phạt, chính phủ, quốc hội và tòa án làm sai thì phải có trách nhiệm như thế nào đó mới công bằng.

Thứ tư, phải đưa một số tổ chức ra ngoài quốc hội và chính phủ, cấp trên của các tổ chức này chỉ là luật pháp. Các đơn vị Kiểm toán, Thống kê và Ngân hàng Nhà nước chỉ căn cứ vào luật pháp để làm việc.

Thứ năm, có lẽ đã đến lúc phải nghiên cứu tìm cách tổ chức lại chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương sẽ không làm kinh tế, chỉ có Trung ương làm kinh tế, thành lập chính quyền vùng.. Thực hiện chính sách Quốc hội hai đầu, thành lập các ủy ban trực thuộc chính phủ để xây dựng, quyết định kinh tế vùng.

Lúc đó mới ra chiến lược, ra cụ thể và có nhiều giá trị, chứ tỉnh nào cũng công, nông, nghiệp dịch vụ thì nhàm chán lắm, ông Lê Xuân Bá nói.

Thứ sáu, cần nhanh chóng ban hành một số luật trong đó có luật trưng cầu ý dân, luật xã hội dân dự.

"Muốn có được việc vĩ đại phải có cải cách vĩ đại." Việt Nam muốn có được sự đột phá phải có những bước đột phá, nếu chúng ta vẫn làm từ từ bình tĩnh như thời gian qua thì kết quả vẫn từ từ bình tĩnh, không có đột phá.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện