Thứ Năm | 31/05/2012 21:55

Cần có chính sách tạm trữ để tránh thiếu đường do xuất sang Trung Quốc

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐQT CPCP mía đường Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam khẳng định như trên.
Vào cuối tháng 3/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ "điều hành tiêu thụ, tạm trữ đường năm 2012". Trong đó đề nghị đảm bảo đủ vốn cho một số công ty sản xuất đường vay tạm trữ 200.000 tấn với giá 16 triệu đồng/tấn (tương đương 3.200 tỉ đồng) và Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 3 tháng, kể từ tháng 5/2012.

Tuy nhiên, có thông tin Bộ Công thương bác đề nghị này với lý do các doanh nghiệp sản xuất đường hiện đã bớt khó khăn do nhu cầu đường trong nước tăng mạnh, vì thế giá đường sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng cơ chế tạm trữ đường chưa làm rõ đối tượng được hỗ trợ và cũng chưa có giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà máy đường, nông dân và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT CTCP mía đường Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam khẳng định việc tạm trữ hoàn toàn có lợi cho quốc gia, xã hội và ngành đường Việt Nam.

Một số chuyên gia khẳng định đường là sản phẩm khá đặc biệt vì chỉ sản xuất theo thời vụ nhưng tiêu thụ quanh năm. Việc có chính sách tạm trữ để cân đối cung cầu trong 12 tháng là rất quan trọng.

Nếu không có chính sách để tạm trữ, doanh nghiệp sẽ bán đổ bán tháo ra thị trường, nhất là sang Trung Quốc khi nước này đang có nhu cầu nhập đường rất lớn, giá mua tốt. Các nhà thương mại cũng tìm cách gom đường để xuất sang Trung Quốc bằng nhiều cách. Theo thông tin ban đầu, hiện đã có trên 200.000 tấn đường của Việt Nam xuất sang thị trường này và đang tiếp tục gia tăng nếu Việt Nam không có chính sách tạm trữ.

Ông Long cũng phân tích, thời điểm đường hút hàng thường vào cuối quý III, đầu quý IV. Diễn biến mùa vụ năm nay cho thấy, lượng đường còn trong kho của doanh nghiệp hiện thấp hơn năm ngoái trên 135.000 tấn. Điều đó có nghĩa, việc sốt giá đường vào cuối quý III/2012 dễ xảy ra hơn năm 2011 nếu doanh nghiệp ồ ạt bán hàng để quay vòng vốn và trả lãi ngân hàng.

Đến lúc này, Chính phủ lại buộc phải bỏ ra một khoản ngoại tệ rất lớn để nhập khẩu đường để kìm giá bán phi mã của thị trường. Thực tế trên cho thấy, khi Chính phủ phải bỏ một lượng lớn ngoại tệ ra nhập khẩu, sau đó hỗ trợ giá để bình ổn thị trường thì thiệt hại còn nặng hơn nhiều khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp đường tạm trữ.

Vì thế, tình trạng cung cầu nhiều năm qua mất cân đối nghiệm trọng. Đầu năm doanh nghiệp xin xuất khẩu, cuối năm lại xin nhập khẩu đường sẽ tái diễn, khiến cho thị trường không ổn định và giá bán tăng giảm thất thường.

Nguồn Nông nghiệp Việt Nam


Sự kiện