Cán cân thương mại sẽ cân bằng vào 2020
Theo chương trình này, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 11 - 12%/năm và tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa 10 - 11%/năm trong thời kỳ 2011 - 2020.
Chương trình cũng đặt mục tiêu giảm dần hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020. Phấn đấu cán cân thương mại thặng dư thời kỳ 2021 - 2030.
Phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh cấp quốc gia
Chương trình đề ra nhiệm vụ chủ yếu là phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó có nhiệm vụ xác định cụ thể các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh cấp quốc gia, có tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng cao thuộc các nhóm hàng vật liệu xây dựng, sản phẩm hóa dầu, sản phẩm cao su, sản phẩm chất dẻo, điện tử, điện thoại di động.
Bên cạnh đó, rà soát và bổ sung các chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giầy và công nghệ cao.
Đồng thời bổ sung mới các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, gắn với phát triển xuất khẩu.
Về nông nghiệp, rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhất là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, thủy sản.
Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu và tăng cường kiểm tra, kiểm soát để nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu, bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước để góp phần kiềm chế nhập siêu
Chương trình cũng đặt ra nhiệm vụ cần tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước đã sản xuất được để góp phần kiềm chế nhập siêu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước nhằm tạo cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sử dụng các loại máy móc, thiết bị và vật tư này.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế khuyến khích sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Các Hiệp hội ngành hàng cần đẩy mạnh công tác đánh giá, dự báo thị trường, xu hướng giá cả, thực hiện chế độ cung cấp thông tin định kỳ liên quan đến thị trường và chính sách của các nước bạn cho các hội viên để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động.
Các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, phản ánh kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc để có biện pháp chủ động đối phó, nhất là để góp phần thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xuất khẩu giảm dần nhập siêu.
Nguồn Chinhphu.vn