Thứ Hai | 22/10/2012 09:05

Cần cân nhắc kỹ việc lùi thời hạn tăng lương tối thiểu

Việc tăng lương không chỉ tạo điều kiện cải thiện đời sống của một bộ phận người dân, mà còn góp phần thúc đẩy thị trường nội địa, tăng sức mua...
Năm 2013 không điều chỉnh lương tối thiểu đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước do không cân đối được nguồn”. Lời tuyên bố này của Bộ trưởng Bộ Tài chính được trình bày tại cuộc họp sáng 16/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được Quốc hội chấp thuận khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 vào cuối Kỳ họp thứ 4, khai mạc vào đầu tuần này, thì năm 2013 là năm đầu tiên, lộ trình tăng lương bị “đứt quãng” sau 5 năm lương tăng liên tục.

Dù mức tăng lương theo lộ trình năm 2013 chỉ là 250.000 đồng/tháng (từ 1,05 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng), song việc không tăng lương do không cân đối đựoc nguồn khiến dư luận hoài nghi về lập luận này.

Liên tục từ năm 2008 trở lại đây, do hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, theo đó, thu ngân sách cũng có những thay đổi.

Song cũng kể từ đó đến nay, năm nào ngân sách cũng tăng thu hàng chục ngàn tỷ đồng so với con số mà Bộ Tài chính báo cáo với Quốc hội trước khi có quyết toán chính thức (năm 2008 tăng 17.800 tỷ đồng, năm 2009 tăng 51.690 tỷ đồng, năm 2010 và 2011 tăng tương ứng 31.070 tỷ đồng và 29.682 tỷ đồng).

Vì thế, có ý kiến dự báo rằng, số thu ngân sách năm nay cũng sẽ vượt so với con số 741.500 tỷ đồng được Bộ Tài chính báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp lần này.

Hội nghị Trung ương 6, khoá XI của Đảng cũng đã đề ra nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế năm 2013 phải cao hơn năm 2012 (GDP dự báo tăng 5,5% so với mức 5,2% năm 2012) nên thu ngân sách cũng sẽ cao hơn.

Hơn nữa, ngoài khoản thu hàng chục ngàn tỷ đồng từ việc chống thất thu, chuyển giá, gian lận thuế, gian lận thương mại... đang được ngành tài chính rốt ráo thực hiện, ngân sách năm 2013 còn được bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng tiền gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị và tiền sử dụng đất năm 2012 chuyển sang theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ.

Nếu cộng cả số thu năm nào cũng tăng so với dự toán là thu từ dầu khí (do thường dự toán mức giá thấp hơn giá bán thực tế) thì thu ngân sách năm 2013 được các chuyên gia kinh tế dự báo là sẽ cao hơn so với con số 816.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính dự báo.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 và 2013 dự báo tăng 8-9%/năm, trong đó, những giá hàng hoá, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, giáo dục, y tế, xăng dầu, điện, nước, chất đốt... tăng khá cao, khiến thu nhập thực tế của những người làm công ăn lương, những người hưởng lương từ ngân sách, đặc biệt những người hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội giảm đáng kể.

Việc tăng lương không chỉ tạo điều kiện cải thiện đời sống của một bộ phận người dân, mà còn góp phần thúc đẩy thị trường nội địa, tăng sức mua, giải phóng hàng tồn kho - điểm nghẽn lớn nhất đang kiềm chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, qua đó có thể quay trở lại giúp tăng thu ngân sách. Tiền lương cũng là yếu tố tác động trực tiếp tới năng suất lao động.

Để tạo đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức, không thể không bàn tới việc cải cách tiền lương. Do vậy, việc lùi thời hạn tăng lương là một vấn đề lớn, cần được cân nhắc kỹ lưỡng để có quyết định đúng đắn.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện