Căn bệnh bí ẩn của lúa mì có thể gây ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
Chỉ những nông dân mất mùa mới đốt cháy cây lúa mì trước kỳ thu hoạch. Nhưng đây lại là điều mà nhiều người nông dân ở Bangladesh đang làm. Họ đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của một loại nấm có sức tàn phá ghê gớm, và lựa chọn cuối cùng của họ là đốt bỏ những cánh đồng nhiễm bệnh.
Dịch bệnh này được gọi là bệnh cháy lá hay đạo ôn (wheat blast), do loại nấm Magnaporthe oryzae gây nên và được phát hiện lần đầu tại Brazil năm 1985. Kể từ đó, nó đã lây lan nhanh chóng ra khắp vùng Nam Mỹ. Tác động của loại dịch bệnh này khá nghiêm trọng đến mức nhiều vùng từng trồng lúa mì nay đã không còn trồng được loại lương thực này nữa.
Giờ đây, bệnh đạo ôn lúa mì đã lan tới Bangladesh. Theo một ước tính, khoảng 15.000 ha diện tích canh tác đã bị tàn phá. Ở quốc gia 150 triệu dân này, lúa mì là nguồn thực phẩm quan trọng đứng thứ hai sau lúa gạo.
Không ai biết chắc bệnh đạo ôn lúa mì đã lan tới Bangladesh như thế nào. Nhưng có một khả năng cho thấy đã có một giống nấm đột biến và có khả năng lây lan sang cây lúa mì. Điều này từng xảy ra trước đây, khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng tại Mỹ năm 2011.
Một khả năng khác thuyết phục hơn, dựa trên những dữ liệu phân tích di truyền ban đầu, là lúa mì nhập khẩu từ Brazil đã gây nên dịch bệnh tại Bangladesh. Nếu đúng, đây là điều đáng lo ngại cho các nước cũng nhập khẩu lúa mì từ Brazil như Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Trong quý I/2016 vừa qua, Brazil là thị trường lớn thứ hai cung cấp lúa mì cho Việt Nam với 222.831 tấn, chiếm hơn 26% lượng lúa mì nhập khẩu.
Bệnh đạo ôn lúa mì phát triển mạnh ở vùng khí hậu nóng và ẩm ướt. Điều này đồng nghĩa dịch bệnh có thể dễ dàng lây lan tới các nước ở phía Nam và Đông Nam châu Á, ngay cả khi các nước này không nhập khẩu lúa mì Brazil. Đặc biệt đáng lo ngại đối với Ấn Độ và Pakistan, các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh cho biết.
Các nhà quản lý của Mỹ từng kiểm soát được dịch bệnh vào năm 2011 thông qua các biện pháp giám sát và xử lý mạnh tay. Tuy nhiên, điều này lại khá khó khăn đối với các nước đang phát triển.
Một cách khác để chống lại dịch bệnh này là tạo ra giống lúa mì biến đổi gen có khả năng kháng bệnh. Tháng trước, các nhà khoa học tại đại học bang Kansas cho biết, các biến thể gen đầu tiên có thể có khả năng kháng nấm. Tuy nhiên, để đánh bại hoàn toàn loại nấm gây bệnh này, các nhà nghiên cứu cần phải tìm ra nhiều biến thể gen nữa.
Để thực hiện điều này, các nhà khoa học ở Anh và Bangladesh đã đưa ra sáng kiến Open Wheat Blast. Với sáng kiến này, bất kỳ ai cũng có thể tải về dữ liệu gen của các chủng nấm gây bệnh đạo ôn để nghiên cứu, từ đó tạo ra một nỗ lực quốc tế lớn hơn để chống lại dịch bệnh.
An Phong
Nguồn Quartz