Thứ Hai | 16/04/2012 07:40

Cần ấn định trần lãi suất cho vay

Trước hết cần yêu cầu 5 ngân hàng TMCP Nhà nước hạ lãi suất cho vay xuống 15-16%/năm, từ đó các ngân hàng khác sẽ hạ lãi suất theo, theo Tiền Phong.
Đây là nhận định của PGS.TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách, Tiền tệ Quốc gia.

Theo ông Hùng, theo tính toán, nếu lãi suất huy động hiện là 12%/năm, cộng thêm khoảng 3,5 - 4% gồm tất cả các chi phí thì ngân hàng đã có lãi. Như vậy, lãi suất cho vay chỉ 15,5 - 16%/năm, cùng lắm là 17%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay thực tế hiện nay quá cao so với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp. Vì vậy cần phải kiểm soát chặt chẽ chi phí ngân hàng.

"Trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, tôi cho rằng cần ấn định cả trần lãi suất đầu ra, trong một thời gian nhất định. Lãi suất đầu vào hiện là 12%, thì đầu ra 16% là hợp lý, vì ngân hàng thương mại có 4% chênh lệch. Nếu ngân hàng nào cho vay quá 16%, sẽ bị Ngân hàng Nhà nước thổi còi. Như vậy, sẽ có cơ hội hạ lãi suất nhanh hơn", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, trước hết cần yêu cầu các 5 ngân hàng TMCP Nhà nước, chiếm khoảng 50% thị trường tín dụng, hạ lãi suất cho vay. Nếu các ngân hàng này cho vay lãi suất 15 - 16%/năm thì chỉ sau vài tháng, các ngân hàng nhỏ khác cũng phải cho vay theo lãi suất của các ngân hàng này, nếu không sẽ mất khách hàng.

Đương nhiên không nên dùng biện pháp hành chính điều hành thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã dùng biện pháp hành chính khống chế lãi suất đầu vào, cũng cần có giải pháp kiểm soát lãi suất đầu ra, ông Hùng nói.

Nguồn Tiền Phong


Sự kiện