Cần 7 tỷ USD nếu thanh lọc nợ xấu kiểu Mỹ
Qua nhiều cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, mỗi nước đều có cách làm riêng để xử lý các tài sản rủi ro và nợ xấu, nhằm lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế. Mỹ một mặt mạnh tay bơm vốn giải cứu ngân hàng nhưng lại không can thiệp sâu vào điều hành. Trung Quốc thành công nhờ trực diện xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước trong khi Nhật sẵn sàng cho tự sụp đổ nếu ngân hàng quá yếu kém.
Với Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính phố Wall năm 2008 bắt nguồn từ bong bóng bất động sản tan vỡ - tình cảnh khá tương đồng với Việt Nam hiện nay. Để giải cứu những tổ chức tín dụng nguy cơ phá sản, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định bơm 700 tỷ USD. Lượng tiền này được phân bổ một phần để mua lại nợ xấu ngân hàng thương mại, một phần dùng để giải quyết thanh khoản tạm thời cho những đơn vị yếu kém. Phần còn lại - nhưng chiếm tỷ trọng lớn - là để mua cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên học cách làm của Mỹ để giải quyết bài toán hiện nay.
Theo VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng từng có kinh nghiệm làm việc ở Mỹ - nhìn nhận, cả 3 phương án của Mỹ đều phù hợp. Theo tính toán của ông, Việt Nam cần khoảng 7 tỷ USD để mua lại nợ xấu như phương án thứ nhất của Mỹ. Nếu để ngân hàng tự bán nợ xấu sẽ gây thiệt hại thêm bởi với chất lượng nợ như vậy, tỷ lệ chiết khấu rất cao, có thể lên tới 80%-90%.
“Tuy nhiên, với Việt Nam, cần lưu ý để không tạo nên cơ chế 'xin - cho' giữa ngân hàng và công ty mua bán nợ của Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước. Có thể xảy ra chuyện ngân hàng bán một khoản nợ đáng lẽ phải chiết khấu 50% thì họ chỉ cắt 30% thôi. Như vậy sẽ gây thiệt hại cho người dân, tư lợi cho ngân hàng", chuyên gia này phân tích.
Phương án mua lại cổ phần giống như Mỹ cũng thích hợp với Việt Nam. Nhà nước không can dự vào công tác điều hành, quản lý sẽ tạo cơ hội tốt cho các ngân hàng tự tái cơ cấu. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng khi xử lý nợ xấu, với người đi vay chỉ đơn giản là thay đổi chủ nợ từ ngân hàng sang Chính phủ.
Đầu những năm 2000, Nhật Bản hứng chịu hàng nghìn tỷ yên nợ xấu với nguyên nhân tương tự Mỹ năm 2008 đến từ bong bóng bất động sản. Ban đầu, Nhật Bản bơm hàng nghìn tỷ yên vào các ngân hàng lớn hoặc lập hàng loạt các quỹ đầu tư có vốn góp của cả tư nhân để mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, cả hai cách này đều chỉ như muối bỏ bể. Sau khi loay hoay nhiều phương sách nhưng vẫn thất bại, Nhật quyết định quốc hữu hóa các ngân hàng, loại bỏ các cổ đông, cho các ngân hàng yếu kém nhiều nợ xấu tự sụp đổ… và đã thành công.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quốc hữu hóa cũng là giải pháp tốt nhưng không phải tối ưu. Theo ông, chỉ nên đặt ra nếu đó là ngân hàng nào có vai trò quá quan trọng trong nền kinh.
Trong khi đó, phương án dũng cảm cho ngân hàng quá yếu kém tự sụp đổ lại được ông và nhiều chuyên gia ủng hộ. Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - từng nói, chính việc để ngân hàng phá sản chưa có tiền lệ đã khiến nhiều nhà băng yếu kém ỷ lại vì cho rằng nếu khó khăn sẽ được cứu. Các ngân hàng yếu kém luôn tin rằng sẽ có sự trợ giúp của chính phủ khi họ đứng trước bờ vực phá sản.