Cần 230.215 tỷ đồng cho kết cấu hạ tầng hàng không
Theo đó, ước tính nhu cầu vốn dành cho lĩnh vực này lên tới 230.215 tỷ đồng cho giai đoạn 2015-2020.
Đề án dự kiến khả năng sử dụng nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ là 30.724 tỷ đồng (13,3%); nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp 23.968 tỷ đồng (10,1%); nguồn vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%); vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%); phần còn lại (110.367 tỷ đồng) dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và hợp tác công tư (48,4%).
Với nhu cầu vốn như vậy, Đề án đề ra nhiều giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển và Quy hoạch cảng hàng không, sân bay được duyệt; giảm áp lực về nguồn vốn Nhà nước cho đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không; tạo môi trường đầu tư bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về quản lý, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong kết cấu hạ tầng hàng không; nâng cao năng lực phục vụ của toàn hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động bay; đáp ứng nhu cầu của thị trường vận chuyển hàng không; nâng cao chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay.
Trước đó, giai đoạn 2001-2014 tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không đạt 48.617 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa là 42.463 tỷ đồng, đạt 87,3% trên tổng vốn huy động. Tuy nhiên, 83,2% nguồn vốn xã hội hóa được cân đối từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của DN Nhà nước, phần còn lại không đáng kể là từ nguồn vốn cổ phần. Do đó, nguồn vốn xã hội hóa chưa được mạnh về chất, chưa được khai thác tối đa so với tiềm năng cũng như chưa đa dạng về hình thức huy động.
Nguồn Chính phủ