moit.gov.vn
Cần 158 triệu USD để tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp
Dự án: “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp tại Việt Nam” có tổng kinh phí 158 triệu USD, chính thức được World Bank và Bộ Công Thương khởi động ngày 5/3, tại Hà Nội.
"Đang có thách thức lớn đối với việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện", ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thừa nhận.
Theo Bộ Công Thương, trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng quốc gia, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng, với mức độ lãng phí lớn và mức độ tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm cũng cao do doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.
Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới đang xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao so với các nước trên thế giới, giai đoạn 2016 – 2020 là 10,6%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 8,5%/năm và giai đoạn 2026 – 2030 là 7,5%/năm.
Nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 45.000 MW thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW, dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7,0% vào 2030.
Vị thứ trưởng của Bộ Công Thương tin rằng, việc dự án có hiệu lực vào tháng 12/2017 và được triển khai đến tháng 7/2022, sẽ giúp xóa bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận nguồn tài chính trung và dài hạn để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.
Năng lượng có thể tiết kiệm được trong công nghiệp khoảng 20-30%. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm đáng kể nhu cầu năng lượng ngày càng cao với chi phí chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí đầu tư thêm nguồn cung cấp năng lượng mới.
Áp dụng các công nghệ có hiệu suất năng lượng cao hơn và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để doanh nghiệp giữ được chi phí sản xuất thấp và tồn tại được trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, triển khai khoản hỗ trợ 158 triệu USD này, Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm từ việc triển khai Dự án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn – CPEE, với tổng kinh phí hơn 4 triệu USD, do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua World Bank.
Sau 5 năm triển khai, CPEE chỉ đạt 70% mục tiêu về tiết kiệm năng lượng và 75% tiết giảm phát thải khí nhà kính so với thiết kế ban đầu mà Bộ Công Thương đưa ra, sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính lần lượt là hơn 249.000 TOE (tấn dầu quy đổi) và hơn 933.000 TCO2.
Theo các chuyên gia của World Bank, Việt Nam có thể tiết kiệm 11% năng lượng, tương đương 11 GW trong tương lai nếu có sự đầu tư thích hợp cho sử dụng năng lượng.
Quá trình triển khai CPEE cho thấy, các doanh nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều về thể chế, chính sách kỹ thuật và rất khó tiếp cận tài chính. Tại Việt Nam, thể chế mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, chưa có chế tài ràng buộc, xử phạt các doanh nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật còn hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn khi muốn đầu tư nâng cấp công nghệ, cũng như tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện các giải pháp tiết kiệm công nghệ.