Thứ Sáu | 07/06/2013 15:16

Cấm doanh nghiệp FDI thu mua nông sản sẽ gây thiệt hại cho sản xuất xuất khẩu

Có rất ít doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong khi doanh nghiệp lại làm tốt điều này.
Hôm nay (7/6), Thông tư 08/2013 của Bộ Công Thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa, các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam sẽ có hiệu lực.

Theo đó, doanh nghiệp FDI đã có giấy phép xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu. Doanh nghiệp FDI không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu.

Quy định này có mặt tích cực là ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp FDI lách luật, tranh mua tranh bán và thao túng thị trường nông sản, gây tổn thương cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp lại cho rằng vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành sản xuất nông sản xuất khẩu nước ta.

Doanh nghiệp FDI có nguồn lực mạnh về vốn, nhân lực chất lượng cao, hệ thống quản lý hiệu quả, hạ tầng và công nghệ hiện đại… là những yếu tố quan trọng đảm bảo đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Chính những lợi thế này giúp doanh nghiệp FDI có thể mua nông sản giá cao cho nông dân.

Trường hợp xấu nhất được nhiều chuyên gia dự báo là doanh nghiệp FDI rút vốn hoặc do dự khi đầu tư vào Việt Nam, vì hiện đầu tư gián tiếp thông qua doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế. Nếu không đầu tư nữa, họ sẽ thu hồi dây chuyền công nghệ, nhân lực quản lý… Sau đó họ đầu tư nhà máy công nghệ chế biến ở Campuchia, Thái Lan rồi thu mua nguyên liệu từ Việt Nam. .

Một vấn đề đáng lưu ý được nhiều chuyên gia xuất khẩu đặt ra là: Có bao nhiêu doanh nghiệp trong nước chịu ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân? Con số chắc chắn rất ít, trong khi doanh nghiệp lại làm tốt điều này.

Điển hình trong thực tế khi hợp tác với doanh nghiệp FDI, nông dân ngành cà phê, điều, hồ tiêu được mua giá ổn định, được hỗ trợ về giống, kỹ thuật và phân bón. Đổi lại, doanh nghiệp FDI có nguồn nguyên liệu ổn định. Trong lúc đó, doanh nghiệp trong nước lại tranh mua tranh bán, hạ giá dành hợp đồng khiến giá xuất khẩu giảm, kéo theo giá trong nước. Chưa kể tính cạnh tranh, năng lực xuất khẩu của ngành nông nghiệp sẽ ngày càng yếu đi do thiếu sự hiện diện và động lực từ các doanh nghiệp FDI.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện