Ảnh: QH.

 
Khánh Nguyên Thứ Hai | 20/05/2019 14:00

Cầm cương tỉ giá

Chúng ta chỉ có thể bàn tới việc lựa chọn chính sách đồng tiền yếu hay đồng tiền mạnh khi nền kinh tế đã đủ nội lực.

Cơn sốt nóng của tỉ giá VND/USD vào những ngày cuối của thượng tuần tháng 5 đã không kéo dài. Sau khi lập đỉnh 23.380 VND/USD, cao hơn 20 điểm kỷ lục của năm 2018 vào ngày 9.5, tỉ giá tiếp tục có những biến động mạnh. Đã có những kịch bản về việc Trung Quốc sẽ mạnh tay hơn trong chính sách đồng nhân dân tệ yếu nhằm ứng phó với việc tăng thuế từ của Mỹ, điều chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức mạnh của tiền đồng. Theo Bloomberg, ngày 15.5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết đã quyết định phá giá tỉ giá nhân dân tệ đối với USD ở mức 0,6%, lên tới 6,8365 nhân dân tệ/USD.

Tuy nhiên, khi bàn tay các nhà quản lý vẫn cầm chắc cương tỉ giá, mục tiêu giữ tiền đồng giảm khoảng 2-3% so với USD trong năm 2019, tương đương biến động của những năm trước hoàn toàn có thể đạt được. Hơn nữa, các nhà quản lý Việt Nam đang nắm trong tay nhiều công cụ hữu hiệu. Chính sách tỉ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh theo ngày với biên độ +/-3% đang được áp dụng đảm bảo để tỉ giá VND/USD liên ngân hàng không có những biến động gây sốc. Sự trợ giúp từ nhóm Big Four ngân hàng thương mại không những giúp đảm bảo mục tiêu trên mà còn giúp điều chỉnh ở một mức độ nhất định chênh lệch tỉ giá VND/USD thị trường tự do và tỉ giá liên ngân hàng.

Về những yếu tố tạm coi là thiên thời, trong 5-7 năm trở lại đây, lượng kiều hối mỗi năm chuyển về Việt Nam luôn ở mức 2 con số, đồng nghĩa, hàng chục tỉ USD đã có mặt ở thị trường trong nước trước khi chảy vào các kênh đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài sang Việt Nam để giảm thiểu tối đa tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dự kiến sẽ vẫn tiếp diễn, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng chứng tỏ là một công xưởng gia công mới của thế giới.

Cam cuong ti gia
 

Bên cạnh đó, những thương vụ bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, tương tự như việc người Thái chi 5 tỉ USD mua cổ phần Sabeco thực hiện qua một thành viên của nhóm Big Four là Vietcombank vẫn đang được triển khai, bổ sung thêm nguồn lực ngoại tệ cho nền kinh tế. Về dự trữ ngoại hối, tính tới cuối quý I/2019, “lưng vốn” của Việt Nam đã lên mức 65,5 tỉ USD, cao gấp gần 2,3 lần so với mức gần 28 tỉ USD cuối năm 2015. Dựa trên tiềm lực này, cũng như nhiều thuận lợi đã trình bày ở trên, Việt Nam tự tin có đủ sức chống đỡ với những diễn biến bất ngờ của nền kinh tế thế giới.

Dẫu vậy, bức tranh không chỉ mỗi một màu hồng. Ngày 9 và 10.5, một số hãng tin quốc tế dẫn thông tin từ Bloomberg đề cập đến tình huống Mỹ mở rộng danh sách các quốc gia mà Mỹ cho là “thao túng tiền tệ”, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy, điều người Mỹ đang lo ngại là thâm hụt thương mại và chính sách đồng tiền yếu được chủ ý áp dụng là nguyên nhân gây nên tình trạng này. May thay, đó khó có thể là lựa chọn của Việt Nam.

Trên thực tế, các quan điểm về việc Việt Nam nên hạ giá đồng tiền đã xuất hiện từ lâu, nhất là khi Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ yếu như một sách lược đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại hiện nay. Thế nhưng, lý lẽ hỗ trợ xuất khẩu bằng việc neo giá đồng tiền yếu ngay lập tức vấp phải một phản biện khó bác bỏ, tính trung bình trong 3 năm 2016-2018, xuất khẩu của khối FDI chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch. Nói chính xác, Việt Nam đang xuất khẩu hộ doanh nghiệp FDI và vì thế, VND yếu chỉ mang lại lợi ích cho những người bạn nước ngoài này.

Cam cuong ti gia
 

Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, dẫn lại một nghiên cứu của ông và đồng sự. Theo đó, trong kịch bản VND mất giá 3%, chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng lên và chỉ số giá sản xuất (PPI) ngay chu kỳ sản xuất đầu tiên tăng lên 0,65%; và trong chu kỳ sản xuất tiếp theo, PPI tăng lên 0,75% và GDP có thể bị giảm 2-2,27%. Trực diện hơn, VND yếu đi sẽ ngay lập tức tác động tới gánh nợ công, lạm phát và quan trọng nhất là thu nhập thực tế của người lao động Việt.

Hiện tại, cả giá xăng, giá điện, giá dịch vụ y tế... đều đã được điều chỉnh tăng, nếu chọn đồng tiền yếu, đời sống của người dân sẽ càng khó khăn. Cân đo lợi - thiệt, không đời nào, Việt Nam chủ động chọn “thất sách” này. Hãy trở lại vấn đề tỉ giá, chúng ta chỉ có thể bàn tới việc lựa chọn chính sách đồng tiền yếu hay đồng tiền mạnh khi nền kinh tế đã đủ nội lực. Ở thời điểm hiện tại, ưu tiên hàng đầu của chính sách tiền tệ vẫn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, để có nền tảng mơ về những viễn cảnh tươi đẹp hơn.