Thứ Tư | 23/07/2014 10:47

"Cấm bán rượu bia sau 22h": Đề xuất 3 phương án mềm dẻo hơn

Lần sửa thứ 2 dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đề xuất tới ba phương án mềm dẻo hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm qua 22-7, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, thành viên tổ biên tập dự thảo, nói:

- Trong dự thảo này, vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là dự định cấm bán rượu bia sau 22h, chúng tôi cũng đã lắng nghe dư luận những ngày qua và cũng đang đặt ra những phương án để quy định này mềm dẻo hơn.

Theo đó, có ba phương án để ban soạn thảo lựa chọn. Phương án 1 là cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h sáng hôm sau, nhưng là cấm ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình, địa điểm và lộ trình ấy sẽ do Chính phủ quy định, ví dụ như khu phố Tây nơi khách du lịch đến nhiều thì cho phép bán sau 22h chẳng hạn.

Phương án 2 là giao cho UBND tỉnh thành xem xét tình hình từng địa phương, có phương án phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia.

Còn phương án 3 là không quy định về giờ được bán rượu bia nữa mà hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác.

* Thưa ông, từ căn nguyên nào mà tổ biên tập đã đưa đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h đêm vào dự thảo này, vì người ta rất lo ngại khâu thực thi?

- Đề xuất cấm bán từ 22h đến 6h sáng hôm sau ở VN là quy định mức trung bình của thế giới. Thế giới đã có 87 quốc gia có quy định về giờ cấm bán rượu bia, như Singapore cấm bán rượu bia từ 24h hôm trước đến 11g trưa hôm sau và cấm bán tiếp từ 14h-17h chiều.

Từng có lần đi công tác ở Singapore, sau một hồi đi bộ chúng tôi vào một nhà hàng dự định uống cốc bia, nhưng họ nói chỉ bán nước giải khát chứ bia phải sau 17h mới bán.

Về khả năng thực thi thì cũng có nhiều người hỏi tôi rồi, văn bản nào mới cũng sẽ đặt ra vấn đề thực thi và kèm theo là câu hỏi ai kiểm tra, ai phạt?

Tư duy người Việt mình ngàn năm nay là "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình", đứng về mặt lý thuyết người ta gọi đó là chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy tình, một xã hội thật sự văn minh phải đến lúc duy lý thắng duy tình.

Đặt ra quy định như một cái "barie", nếu vượt qua, có bằng chứng thì bị phạt. Còn lúc nào cũng có cảnh sát, thanh tra kè kè để phạt thì không ở đâu đủ cảnh sát và thanh tra để kiểm tra giờ uống rượu bia.

* Một trong những điều người dân quan tâm nhất là cấm bán rượu bia sau 22h sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Ý kiến ông thế nào?

- Như ở trên chúng tôi đã nói là đặt ra phương án 1 cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h sáng hôm sau, nhưng có lộ trình và tùy từng địa điểm, trong đó có tiếp thu kinh nghiệm ở Singapore.

Singapore cấm bán rượu bia sau 24h nhưng những khu vực đông khách du lịch nước ngoài họ cho bán rượu bia muộn hơn.

Tôi cũng muốn nói thêm là khi Singapore, Thái Lan và hơn 80 nước khác đặt ra quy định này họ đã tính toán rồi, nếu ảnh hưởng họ sẽ nghĩ phương án khác ngay.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa quốc gia du lịch là phải mở rộng bằng mọi giá, như Singapore, Thái Lan hiệu suất kinh tế từ phát triển du lịch của họ hơn hẳn Việt Nam, nhưng họ vẫn có giờ cấm bán rượu bia.

* Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thi hành đã hơn một năm và đã có nhiều phản ảnh quy định cấm thuốc lá nơi công cộng có mái che không được thực hiện. Với tác hại của bia rượu, trước đây có trên 30 văn bản liên quan, có cả chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng bia rượu mà lượng bia rượu sử dụng vẫn tăng. Ông đánh giá thế nào về khả năng thực thi nếu có Luật phòng chống tác hại bia rượu?

- Với thuốc lá thì Bộ Y tế đã giao Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, làm đầu mối tổ chức thực thi và phối hợp với các bộ ngành có liên quan. Những hành vi như hút thuốc lá, uống rượu bia, địa điểm, thời gian xuất hiện đa dạng, không thể lúc nào cũng có người kè kè kiểm soát, mà xử lý theo hướng có quy định, phát hiện vượt qua quy định là xử phạt.

Phương án cấm bán rượu bia sau 22h có nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng thực thi thì nay đã được mềm dẻo để đạt được đồng thuận xã hội.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng có Luật phòng chống tác hại thuốc lá rõ ràng mọi việc tốt hơn, ví dụ như ở sân bay trước đây người ta hút thuốc rất nhiều, nay làm gì có.

Thủ tướng đã ban hành chính sách quốc gia về phòng chống tác hại lạm dụng bia rượu, nhưng chính sách chỉ mang tính chất định hướng, còn văn bản quy phạm pháp luật thì phải có luật.

Nguồn Tuổi trẻ


Sự kiện