Cái giá phải trả của các tu nghiệp sinh tại Nhật Bản
6 giờ 30 phút sáng tại một trường nội trú dạy tiếng Nhật ở thủ đô Hà Nội, hàng trăm học viên đã dậy sớm xếp hàng để tập thể dục. Ngôi trường này có khoảng 600 học viên, đa phần ở độ tuổi 20 và đến từ các vùng nông thôn ở Việt Nam. Họ đang chuẩn bị cho ngày lên đường sang Nhật để làm tu nghiệp sinh kỹ thuật. Công ty điều hành trường học này cũng đồng thời là nơi cử nhân viên sang thực tập.
Một phụ nữ 26 tuổi cho biết cô sẽ rời chồng và đứa con gái 3 tuổi ở Việt Nam để sang làm việc tại một nhà máy thực phẩm sản xuất cơm hộp bento ở tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản. Sau khi hoàn tất công việc và trở về nhà, cô dự định sẽ tiếp tục làm việc cho một công ty Nhật Bản khác. Với vị trí tu nghiệp sinh kỹ thuật, cô sẽ kiếm được 90.000 yen (tương đương 18,6 triệu đồng) mỗi tháng, cao hơn gấp 2,5 lần so với công việc cô làm trước đây.
Số lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã chạm mức kỷ lục 1,08 triệu lao động trong năm 2016, tăng vọt 20% so với năm trước đó. Việt Nam là nước đóng góp nhiều nhất cho mức tăng này, với số lượng lao động từ Việt Nam tăng 56,4%.
Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu lao động nhằm tìm kiếm ngoại tệ và tạo thêm việc làm cho người dân. Trước khi đến Nhật, tu nghiệp sinh phải học tiếng Nhật và phải nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan chính phủ của hai nước.
Trong 12 tháng kể từ cuối tháng 10/2015, lượng người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, bao gồm cả du học sinh, tăng từ 110 nghìn người lên 170 nghìn người. Những người này đang giúp bù đắp cho sự thiếu hụt lao động của Nhật.
Đột ngột biến mất
Nhưng chương trình này đang bộc lộ nhiều vấn đề. Theo người đứng đầu hợp tác xã dịch vụ vệ sinh East Japan có trụ sở tại Sendai, hai người Việt trong số 50 tu nghiệp sinh nước ngoài mà công ty này chấp thuận năm ngoái đã mất tích trong lúc đang làm việc. Bốn năm trước, một tu nghiệp sinh người Việt được gửi đến làm việc tại đây cũng biến mất.
Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, có 5.058 tu nghiệp sinh nước ngoài biến mất trong năm ngoái, trong đó có 2.025 người đến từ Việt Nam, cao hơn so với con số 1.987 người từ Trung Quốc.
Người đứng đầu East Japan thừa nhận, các công ty tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài phải chia sẻ trách nhiệm cho sự mất tích này. Vấn đề về lương và điều kiện làm việc là một trong những yếu tố gây ra hậu quả này. Năm 2016, có 239 tổ chức được cho là không trả tiền lương và vi phạm một số quy định khác.
Đối với một số tu nghiệp sinh, lời hứa hẹn về những công việc béo bở ở nước ngoài đã trở nên rỗng tuếch. Một người đàn ông 30 tuổi kể ông được đưa đến Nhật và được hứa hẹn sẽ kiếm rất nhiều tiền ra sao. Nhưng khi đến Nhật, ông phải chịu món nợ lớn với người môi giới lao động đưa ông sang đây. Ông làm việc tại một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô ở tỉnh Mie, nhưng mức lương hàng tháng chỉ là 70.000 yen (khoảng 14,5 triệu đồng). Sau khi trừ đi chi phí ăn uống, ông chỉ còn lại 40.000 yen (8,3 triệu đồng). Người này sau đó đã quay trở lại Việt Nam năm ngoái.
Làm việc không đủ giờ
Nhiều sinh viên nước ngoài ở Nhật Bản đến từ các nước châu Á như Trung Quốc hay Nepal, cũng đang gặp phải khá nhiều khó khăn. Về nguyên tắc, họ bị giới hạn 28 tiếng làm việc mỗi tuần. Một cựu sinh viên từ Trung Quốc cho biết họ không thể trả học phí và sinh hoạt phí nếu tuân thủ các ràng buộc này.
Nghề điều dưỡng cũng sẽ được thêm vào chương trình đào tạo kỹ thuật cho người nước ngoài, bắt đầu từ tháng 11. Theo Bộ Lao động Nhật Bản, nước này sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt 380 nghìn y tá và điều dưỡng vào năm 2025.
Hai sinh viên Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng tại trạm y tế Yu-yu Kamiyagawa, tỉnh Hiroshima. Sau lớp học tiếng Nhật, họ tham gia vào các hoạt động giải trí cùng với người cao tuổi ở trung tâm này 5 tiếng mỗi ngày. Họ cho biết chi phí để lấy tấm bằng chứng nhận điều dưỡng là 2 triệu yen (413 triệu đồng), và số giờ làm việc 28 tiếng mỗi tuần là không đủ để trang trải các khoản học phí.
Trường Văn
Nguồn Nikkei