Cải cách thể chế kinh tế, cần “làm lớn” thị trường chứng khoán
Quá dồn lên "một chân"
Khi bàn về cải cách thể chế kinh tế, các chuyên gia cho rằng, cần có thêm các giải pháp để thúc đẩy TTCK phát triển mạnh hơn, nhằm xử lý hiệu quả tình trạng mất cân đối trong huy động và phân bổ các nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Một trong những nội dung cốt yếu được đề cập trong Đề án nghiên cứu Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai là cần tập trung đổi mới thể chế để thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính, qua đó huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính.
Trong đó, cùng với đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng huy động vốn của các ngân hàng thương mại, mức vốn hóa của TTCK và khả năng đáp ứng của các thị trường này trong đáp ứng nhu cầu vốn của DN…, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, các đơn vị liên quan, đề án sẽ đề xuất các giải pháp mới và đồng bộ, nhằm thúc đẩy thị trường tài chính phát triển hiệu quả hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, quy mô của TTCK hiện còn nhỏ bé, vốn hóa tương đương 31% GDP tính đến hết năm 2013, nên chưa đảm đương được vai trò là kênh tài trợ vốn trung và dài hạn chủ lực cho DN, cũng như nền kinh tế.
Nếu hạn chế này còn kéo dài, thì không chỉ khiến thị trường tài chính chậm phát triển theo hướng lành mạnh và chuyên nghiệp hơn, mà còn tiếp tục tiềm ẩn các nhân tố tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô. Thực tiễn đang đòi hỏi, trong quá trình cải cách thể kinh tế, cần có các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển nhanh và bền vững, để thị trường tài chính phát triển cân đối, thay vì quá lệch về "một chân" là thị trường tiền tệ như hiện tại.
"Nguồn vốn nhàn rỗi trong dân vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi theo thông lệ tích cực của thị trường thế giới, lẽ ra nguồn vốn này chảy chủ yếu vào khu vực sản xuất, DN thông qua TTCK", TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nói, đồng thời cảnh báo, việc nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chủ yếu chảy vào ngân hàng thương mại khiến cho tổng tài sản của các tổ chức này hiện gấp khoảng 2,3 lần GDP.
Đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế này phản ánh một khía cạnh đáng quan ngại là tài sản ảo của hệ thống tín dụng tăng nhanh hơn so với tài sản thực. Tình trạng này cộng với năng lực quản trị hệ thống tổ chức tín dụng còn hạn chế, khiến tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ trong hệ thống ngân hàng thương mại, mà cả kinh tế vĩ mô…
"Làm lớn" TTCK
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần có kịch bản định hướng phát triển thị trường tài chính trong giai đoạn tới, thay vì thực hiện tái cơ cấu thị trường tiền tệ và TTCK mang tính riêng rẽ, thiếu phối hợp chặt chẽ như hiện tại.
Trong đó, đưa ra các chỉ tiêu mang tính định lượng về tỷ lệ tài trợ vốn cho DN và nền kinh tế của thị trường tiền tệ và TTCK theo hướng giảm dần tỷ lệ tài trợ vốn trung và dài hạn của thị trường tiền tệ, tăng dần tỷ lệ nguồn vốn huy động và phân bổ thông qua TTCK.
Sự phân vai cụ thể này là cái gốc để hình thành, triển khai đồng bộ các chính sách tiền tệ và tài khóa phục vụ cho khắc phục dần tình trạng mất cân đối giữa huy động, phân bổ các nguồn vốn ngắn hạn, trung và dài hạn như hiện tại.
Tính khả thi của các giải pháp nhằm "làm lớn" TTCK, đồng thời giảm dần sức ép cho thị trường tiền tệ trong huy động, phân bổ vốn trung và dài hạn cho DN, cũng như nền kinh tế đã được kiểm chứng trong năm 2013, khi tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của ngành tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, nhờ cơ quan quản lý áp dụng một số biện pháp điều chỉnh hoạt động của khu vực ngân hàng, nên đã bổ sung lượng vốn đáng kể cho TTCK.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến TTCK vào cuối năm 2013 "hồng hào" hơn so với đầu năm, tuy kinh tế vĩ mô vẫn còn khó khăn.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trên, việc tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa trong thời gian tới đòi hỏi cần tiếp tục đi vào chiều sâu, để dần nắn dòng vốn đi vào sản xuất - kinh doanh, vào DN nhiều hơn thông qua TTCK.
Có như vậy mới đạt mục tiêu sớm đưa thị trường tài chính Việt Nam phát triển theo thông lệ thế giới là thị trường tiền tệ đảm trách nhiệm vụ tài trợ vốn ngắn hạn cho DN và nền kinh tế, trong khi nhiệm vụ cung cấp vốn trung và dài hạn được đặt trọng tâm vào TTCK.
"Thị trường tài chính cần đi đều trên hai chân"
Một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay là sự mất cân đối trong phát triển thị trường tiền tệ và TTCK.
Trong khi thị trường tiền tệ đảm đương nhiệm vụ cung cấp vốn ngắn hạn cho DN và nền kinh tế theo thông lệ quốc tế, thì vẫn phải đồng thời tài trợ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Tình trạng này đã tồn tại trong thời gian dài, nhưng chậm được khắc phục. Hệ quả là gây nên nhiều bất hợp lý trong huy động, phân bổ nguồn vốn ngắn hạn, cũng như trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Nền kinh tế và DN hiện quá thiếu nguồn vốn trung và dài hạn, do TTCK vẫn phát triển chậm, quy mô còn nhỏ. Điều này khiến thị trường tài chính quá dồn về "một chân" là thị trường tiền tệ, mà chưa đi đều trên hai chân là TTCK và thị trường tiền tệ.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động của thị trường tiền tệ, mà cụ thể là hệ thống ngân hàng thương mại, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây bất ổn vĩ mô.
Đáng nói là hạn chế này chưa được quan tâm xử lý đúng tầm trong quá trình thực hiện tái cơ cấu thị trường tiền tệ lẫn TTCK. Thực tế này đòi hỏi cần khẩn trương triển khai các giải pháp mới để thúc đẩy TTCK phát triển nhanh và lành mạnh, trong đó bao gồm các chính sách về nâng cao chất lượng hàng hóa, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư, triển khai các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường…
"TTCK cần sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực"
TS. Vũ Viết Ngoạn -Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:Trong quá trình triển khai tái cơ cấu thị trường tiền tệ và TTCK, để dần đảm bảo cho TTCK ngày càng đảm đương tốt hơn vai trò là kênh tài trợ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, thay vì quá dồn sức ép lên thị trường tiền tệ như hiện nay, sự phối hợp trong hoạch định và triển khai các giải pháp phát triển, giám sát các thị trường này cần được tăng cường.
Trong đó, do tính chất nhạy cảm và có tác động lớn đến tính an toàn hệ thống, cần có các quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về cấm các ngân hàng thương mại, CTCK đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn rủi ro cao. Càng những ngân hàng thương mại, tổ chức kinh doanh chứng khoán lớn, thì càng phải chịu sự điều chỉnh của các quy định gắt gao hơn về an toàn, giám sát tài chính, tránh cào bằng như hiện tại.
Theo thông lệ quốc tế, việc phối hợp chính sách trong quản lý giám sát thị trường tiền tệ, TTCK, thị trường bảo hiểm rất chặt chẽ và đảm bảo tính độc lập cao.
Đơn cử, trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều thị trường lớn chỉ cho phép ngân hàng trung ương tự đảm nhiệm chức năng giám sát các tổ chức tín dụng khi thỏa mãn 2 điều kiện: ngân hàng trung ương không được quản lý phần vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại, thực sự hoạt động theo chức năng của ngân hàng trung ương với tính độc lập cao trong hoạch định chính sách, cũng như triển khai các công cụ quản lý…
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp