Theo đó, chi đầu tư phát triển tăng mạnh 42%, gấp 4 lần tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. Ảnh: Quý Hòa

 
Hải Vân Thứ Ba | 25/09/2018 09:13

Cải cách kinh tế bằng cắt giảm đầu tư công?

Vốn đầu tư công, một vấn đề nổi cộm nhất, được đề cập tại giao ban trực tuyến giữa bộ Kế hoạch Đầu tư với các địa phương, hôm 24.9.

Gia tăng tình trạng chi đầu tư phát triển ngày một giảm giảm, chi thường xuyên và chi khác tăng lên trong những năm gần đây, dẫn đến những lưu ý về điều hành ngân sách.

Thủ tục giao vốn chậm

Phó chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Doãn Toản, nhận xét, thời gian làm thủ tục giao vốn đầu tư công hiện nay lâu hơn trước, thậm chí bị kéo dài. Thay đổi tình trạng này, đại diện Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu việc trở lại quy trình phê duyệt trước đây, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ước giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương đến hết tháng 8 đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó vốn trong nước 48,63%, vốn nước ngoài là hơn 27%. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, tại cuộc họp này đã thừa nhận, việc chậm giao vốn, giải ngân đầu tư công và giao vốn nhiều lần được đại diện các địa phương đề cập là thật.

Trên thực tế, giao vốn chậm, giao nhiều lần và thường dồn vào những tháng cuối năm, là những câu chuyện không mới nếu nhìn vào tình hình giải ngân đầu tư công những năm gần đây. Song năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói "chậm giao vốn chủ yếu là do các địa phương chưa xong thủ tục theo quy định".

Cai cach kinh te bang cat giam dau tu cong?
 

Ông Nguyễn Chí Dũng nói rằng Chính phủ đã ban hành Nghị định 120 điều để tháo gỡ khó khăn liên quan tới thủ tục đầu tư dự án sử dụng vốn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương... giúp các bộ, ngành chủ động trong thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. 

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương tập trung gỡ khó khăn, nhưng cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng ỷ lại vào nguồn vốn của Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương. Trong khi đó, việc huy động vốn theo hình thức đối tác công – tư (PPP) cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế, nhiều bất cập, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng. 

Giảm theo chu kỳ

Việt Nam, một nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình thấp, đầu tư công là rất quan trọng để tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho nền kinh tế. Do đó, tỷ lệ chi đầu tư công thấp là một điều đang lo ngại.

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới. Theo đó, 18 nhóm vấn đề chính sách được Chính phủ xác định sửa đổi là quy định liên quan đến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công theo hướng phân cấp, do người đứng đầu cơ quan trung ương và chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều chỉnh, đảm bảo đúng quy định pháp luật, báo cáo lại Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát.

Chậm giải ngân trong bối cảnh ODA giảm dần khiến ngành giao thông vận tải không đủ chi phí duy tu bảo dưỡng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam thiếu trầm trọng nguồn chi cho duy tu, bảo dưỡng, hiện vốn chỉ đáp ứng được 40% và thiếu 60%.

Bộ Tài Chính đã công bố số liệu ước tính tình hình thu chi ngân sách nhà nước trong năm 2018. Theo đó, chi đầu tư phát triển tăng mạnh 42%, gấp 4 lần tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. Điều này chủ yếu do chính phủ cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công của năm 2017 sang năm 2018.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, tại Hội thảo: Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hôm 5.9, cho hay: “Xu thế trong cải cách vài năm gần đây, thay đổi chi đầu tư cho phát triển hàng năm, loại trừ yếu tố giá, đang giảm xuống. Điều đó có nghĩa nước ta có vẻ như đang cải cách nền kinh tế bằng cắt giảm đầu tư công”.

Cai cach kinh te bang cat giam dau tu cong?
 

“Tôi cho rằng, cắt giảm đầu tư công không quan trọng bằng cải thiện hiệu quả đầu tư công, vì việc cắt giảm dẫn tới xu thế thay đổi GDP”, TS Cường nói. Theo ông “nhìn GDP có vẻ tăng, nhưng tính cả chu kỳ 2012 đến nay, nhưng thực tế nó vẫn xu hướng giảm, dù xu hướng giảm này chậm hơn xu hướng giảm đầu tư công”.

Nước ta đang tìm nguồn vốn mới bằng cách thông qua BOT, PPP nhằm thay thế ODA đang giảm dần và sẽ không còn nữa. TS Cường cảnh báo việc sử dụng PPP một một nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trong khi PPP về bản chất là đầu tư công, thay vì đống thuế ta sử dụng mô hình đó, nếu không cẩn trọng nền kinh tế có thể còn phải gánh chịu nhiều hơn.

TS Vũ Sỹ Cường cho rằng Luật Đầu tư công hiện hành có nhiều vấn đề đặt ra nhiều thách thức, trong khi Luật Đầu tư công không thể sửa ngay trong chốc lát. Bài toán đặt ra: Bây giờ nên tăng/giảm hay duy trì đầu tư công?