Khánh Đoan Thứ Hai | 12/12/2016 12:30

Cải cách giáo dục nhìn từ PISA

Tại Hà Lan, học sinh ở trường hướng nghiệp có trình độ thấp hơn 3 năm so với bạn bè cùng lứa ở các trường bình thường.

Người hâm mộ bóng đá phải chờ 4 năm mới có được một kỳ World Cup. Còn ngành giáo dục chờ 3 năm mới được tham gia một cuộc thi toàn cầu. Đó là chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), một cuộc kiểm tra khoa học, toán học và kỹ năng đọc hiểu của các học sinh ở độ tuổi 15 tuổi trên khắp thế giới, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng. Kết quả cuộc thi PISA lần thứ 6 vừa được công bố vào ngày 6.12 vừa qua với khoảng 540.000 học sinh từ 72 quốc gia, vùng lãnh thổ (mỗi học sinh phải có ít nhất 6 năm ngồi ở ghế nhà trường) tham gia. Kết quả trung bình cho mỗi môn thi là khoảng 490 điểm. Ghi được cao hơn 30 điểm so với tổng số điểm này tương đương với việc hoàn thành thêm một năm học ở trường.

Singapore, quốc gia thường xuyên có học sinh đạt điểm PISA cao, năm nay có kết quả còn tốt hơn năm trước. Nước này hiện có số điểm cao nhất trong từng môn học. Điểm toán 564 của học sinh trung bình cho thấy lớp trẻ của Singapore đi trước xấp xỉ 3 năm so với các bạn bè cùng lứa ở Mỹ (470 điểm). Các quốc gia Đông Á khác cũng ghi được số điểm cao ở hầu hết các môn học kể từ khi PISA ra mắt cách đây 15 năm. Nhật và Hàn Quốc, cũng như các thành phố Hồng Kông, Macao và Đài Bắc (Đài Loan), đều có số điểm trung bình cao hơn ở môn khoa học và toán học.

Một gương mặt nổi trội là Estonia, đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng (sau Singapore, Hồng Kông, Nhật, Macau). Nước này có số điểm môn khoa học không hề kém cạnh Nhật trong khi điểm toán bằng với Hàn Quốc. Estonia cũng “đồng đẳng” với Phần Lan khi có số điểm cao nhất ở châu Âu. Ngược lại, Phần Lan, quốc gia đứng đầu PISA năm đầu tiên, dù vẫn có số điểm cao hơn mức trung bình nhưng điểm của nước này đã giảm kể từ năm 2006.

PISA chỉ là một trong nhiều cuộc thi trên toàn cầu, nhưng PISA đặc biệt ở chỗ: nó là báo cáo nghiên cứu có sức ảnh hưởng nhất trên toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục. Điều đó là có lý do. Trước hết, PISA cho thấy điều gì không quan trọng trong việc cải thiện kết quả thi của học sinh.

Cai cach giao duc nhin tu PISA
Singapore hiện là nước có học sinh đạt số điểm PISA cao nhất. Ảnh: koeanhcm.org

PISA chỉ ra ở những nước nghèo hơn, số tiền chi tiêu công bỏ ra cho mỗi học sinh gắn liền với điểm thi cao hơn. Nhưng tại các nước giàu hơn mà chi hơn 50.000 USD mỗi học sinh có độ tuổi từ 6-15, mối dây liên kết nói trên lại trở nên rời rạc. Lấy ví dụ, Ba Lan và Đan Mạch bằng nhau về số điểm trung bình ở môn khoa học, dù Đan Mạch chi nhiều hơn 50% mỗi học sinh so với Ba Lan.

Một sự lãng phí tiền bạc khác, nhìn từ góc độ kết quả PISA, có thể là việc gửi con học ở trường tư. Ở các nước OECD, học sinh ở trường công có số điểm môn khoa học thấp hơn so với học sinh ở trường tư. Nhưng cũng khó nói điều gì, nếu xét đến hoàn cảnh xã hội và kinh tế của từng học sinh. Một điều nữa là dù nghèo thường dẫn đến số điểm thi thấp nhưng không phải lúc nào cũng thế. Chẳng hạn, 29% số học sinh nghèo có mặt trong top 25% học sinh dẫn đầu về số điểm. Tại Singapore, Nhật và Estonia, tỉ lệ này là gần 50% học sinh nghèo.

Rõ ràng, PISA đã chỉ ra được những điều không nên làm khi muốn cải thiện chất lượng giáo dục. Nhưng liệu có chìa khóa thành công nào, nhìn từ các nước có PISA cao nhất? Theo Lucy Crehan, tác giả Cleverlands, cuốn sách về các nước đứng đầu về PISA, văn hóa có ảnh hưởng đến giáo dục nhưng chính sách cũng có phần.

Giống như Phần Lan và Canada, Estonia chờ đến khi học sinh được 15 hoặc 16 tuổi mới bắt đầu hướng chúng đi vào các con đường học thuật, hoặc hướng nghiệp. Mart Laidmets, quan chức cấp cao tại Bộ Giáo dục, cho rằng điều đó sẽ giúp học sinh tìm việc làm sau này, vì môn toán và kỹ năng đọc viết sẽ giúp chúng dễ dàng thích ứng với thay đổi trên thị trường lao động và học các kỹ năng mới.

Ngược lại, ở những nước hướng học sinh từ sớm vào trường hướng nghiệp hoặc vào một lớp học ít “nặng đầu” hơn trong cùng trường, khoảng cách giữa trẻ giàu và trẻ nghèo dường như rộng ra. Tại Hà Lan, học sinh ở trường hướng nghiệp có trình độ thấp hơn 3 năm so với bạn bè đồng trang lứa ở các trường bình thường.

Bà Crehan chỉ ra, hầu hết các nước chờ trẻ đến 6-7 tuổi mới cho đi học chính thức. Những năm giáo dục đầu tiên sẽ chuẩn bị cho trẻ bước vào môi trường mới qua cách học mà chơi và chủ yếu dạy các kỹ năng xã hội cho trẻ. Sau đó, họ cho trẻ làm thêm các bài tập ở trường. Thậm chí Singapore, quốc gia hướng một số học sinh vào con đường hướng nghiệp ở tuổi 13, đảm bảo rằng học sinh ở các trường đó duy trì tiêu chuẩn cao về đọc hiểu và môn toán.

Những nước có kết quả PISA xuất sắc nhất cũng chú trọng đến những gì đang diễn ra trong lớp học. Giáo viên được xem như những chuyên gia. Họ có thời gian để chuẩn bị giáo án và học hỏi lẫn nhau. Sự tiến bộ của giáo viên được quyết định dựa trên kết quả thực hiện, chứ không phải do tiếng nói của công đoàn. Lấy ví dụ về thành phố Buenos Aires tại Argentina. Buenos Aires có mức tăng điểm ngoạn mục nhất so với cách đây 3 năm. Trung bình, học sinh của Buenos Aires đạt 475 điểm môn khoa học (tăng 51 điểm), 475 điểm môn đọc hiểu (tăng 46 điểm) và 456 điểm môn toán (tăng 38 điểm).

Đối với Esteban Bullrich, quan chức phụ trách giáo dục ở Buenos Aires từ năm 2010-2015 (đang là Bộ trưởng Giáo dục Argentina), mục tiêu ban đầu của ông là đảm bảo học sinh nhận được nền giáo dục tốt. Các giáo viên thời điểm đó bỏ ra 12-15 ngày mỗi năm để đình công, tức khoảng 7% thời gian mà đáng lẽ họ phải đứng lớp, theo tính toán của ông. Để giảm thời gian vắng mặt trên lớp, đầu tiên ông công khai số di động của mình và nhận cuộc gọi trực tiếp từ các giáo viên nếu họ phàn nàn điều gì. Ông đã kéo dài thêm thời gian học ở trường. Sau đó, ông đưa ra một thỏa thuận với các giáo viên: họ sẽ được mức lương cao hơn, đổi lại phải giảng dạy một cách nghiêm túc hơn. Và ông cũng đưa vào các chương trình đào tạo giảng viên khắt khe hơn và thực tế hơn.

Bồ Đào Nha cũng là một trường hợp nổi bật. Kể từ năm 2006, nước này đã không ngừng cải thiện điểm số ở từng môn học, qua mặt cả Mỹ khi đi từ một nước có điểm số hạng trung lên trên mức trung bình.

Theo ông Nuno Crato, cựu Bộ trưởng Giáo dục của Bồ Đào Nha (và là giáo sư môn toán học), có 3 lý do giải thích sự tiến bộ của Bồ Đào Nha. Trước hết, nước này bắt đầu quan tâm đến kết quả, bằng cách đưa ra các bài kiểm tra được chuẩn hóa mới. Thứ hai, một chương trình học mới với các tiêu chuẩn cao hơn được đưa vào từ năm 2011. Thứ ba, Bồ Đào Nha giảm số học sinh được đưa vào diện chọn lọc. Những học sinh nào học chậm, có kết quả kém có thể được dạy kèm thêm, nhưng giáo viên sẽ cố gắng đưa chúng ngồi vào cùng lớp với các bạn bè khác.

Tuy nhiên, để Bồ Đào Nha trở thành một cường quốc về giáo dục, ông Crato cho rằng, nước này cần “những giáo viên được chuẩn bị tốt hơn nữa”. Điều này là khó khi một số công đoàn phản đối chuyện giáo viên phải qua các kỳ thi mới được đứng lớp. Cũng theo ông Crato, một nền giáo dục tốt hơn không nhất thiết phải chi nhiều tiền hơn. Bằng chứng là Bồ Đào Nha vẫn đạt được những bước tiến lớn dù nước này cắt giảm mạnh chi tiêu công. “Tiền quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định”, ông nói.

Khánh Đoan

Nguồn The Economist