Cadivi : “Cứu tinh” của Gelex
Nếu không có gì trục trặc, trong quý IV này, Công ty cổ phần Dây Cáp điện Việt Nam - Cadivi (CAV), doanh nghiệp lớn nhất trong ngành dây cáp điện, sẽ tiến hành tăng vốn. Đây là lần tăng vốn đầu tiên kể từ khi lên sàn vào tháng 12.2014. Đáng chú ý, mức tăng vốn sẽ là gấp đôi. Nhưng Cadivi lại chỉ dự tính huy động 576 tỉ đồng trong khi lẽ ra, nếu căn cứ thị giá hiện tại, con số phải gấp 5 lần.
Những ai sắp được mua cổ phần giá rẻ ở Cadivi ít nhiều cảm thấy phấn khích. Họ đã tăng cường giao dịch, góp phần đẩy cao giá cổ phiếu CAV. Liên tục suốt 6 phiên liên tiếp (từ ngày 21.9- 28.9), CAV ngập tràn sắc xanh và đã bật trở lại mức 100.000 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu giao dịch cũng tăng gấp 4-5 lần so với bình thường.
Nhưng phấn khích hơn cả có lẽ là Tổng Công ty Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex), cổ đông lớn nhất tại Cadivi. Cuối năm ngoái, khi Gelex không còn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch Gelex, từng chia sẻ với cổ đông, Cadivi là khoản đầu tốt của Gelex nên Công ty chỉ muốn nắm càng nhiều càng tốt.
Gelex có trong tay quyền quyết định của công ty mẹ nắm giữ 65% vốn tại Cadivi. Với tầm ảnh hưởng này, chuyện tăng vốn chỉ cần Gelex gật đầu đồng ý. Mới đây, Gelex đăng ký mua thêm 2,8 triệu cổ phần ở Cadivi nhằm đảm bảo quyền chi phối tại đây.
Cadivi rất quan trọng đối với Gelex khi đóng góp khoảng 70% doanh thu của Gelex năm 2015. Đó là chưa kể Công ty được hưởng hàng chục tỉ đồng tiền cổ tức từ Cadivi.
Nói đi cũng phải nói lại, Cadivi cũng nhận được hỗ trợ dưới thời Gelex còn là doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn, các dự án đầu tư của Cadivi vẫn được hưởng lãi suất vay ở mức khoảng 4%/năm. Hay khách hàng tiêu thụ dây cáp của Cadivi chủ yếu đến từ nhóm các công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các nhà thầu xây lắp điện dân dụng, các dự án công nghiệp.
Với lượng khách hàng ổn định này, Cadivi vẫn duy trì được thị phần dây cáp điện 30% dù vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ hơn 200 doanh nghiệp cùng ngành như Cadisun, Cơ điện Trần Phú, LG Vina Cable, Taya Vietnam... và từ các đối thủ nước ngoài như Bangkok Cable (Thái Lan), Leader Cable Industry Berhad (Malaysia), Olympic Cable (Malaysia), PT Supreme Cable (Indonesia)…
Khi Gelex không còn là công ty nhà nước, giới đầu tư kỳ vọng Cadivi sẽ được quyền tham gia đầu thầu trong những dự án của EVN do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ vốn vay. Ngoài ra, Cadivi có thể trông đợi cách thức quản lý mới, phù hợp hơn so với mô hình công ty trực thuộc doanh nghiệp nhà nước.
Nhìn chung, Cadivi vẫn đang ăn nên làm ra. Theo thông tin từ Công ty, giai đoạn năm 2007-2011, sản lượng sản xuất tăng trung bình 23%/năm, còn doanh thu tăng 25%/năm. Bước sang giai đoạn năm 2012-2015, Cadivi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, gần chạm mốc 6.000 tỉ đồng doanh thu vào năm 2015. Theo lý giải của Công ty Chứng khoán Maritime, đó là nhờ Cadivi biết tận dụng thế mạnh của một doanh nghiệp có 44 năm trong ngành, đang dẫn đầu về thị phần và nắm bắt cơ hội từ sự khởi sắc của ngành bất động sản - xây dựng, cũng như nhu cầu dây, cáp điện phục vụ lĩnh vực viễn thông, xe hơi, điện tử...
Theo Cadivi, khách hàng kênh đại lý chiếm hơn 61% doanh thu năm 2015. Ảnh: vietq.vn |
Chiến lược đẩy mạnh phân phối trên 200 đại lý cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho Công ty. Theo Cadivi, khách hàng kênh đại lý chiếm hơn 61% doanh thu năm 2015. Sắp tới, Công ty dự tính mở rộng mạng lưới phân phối này cũng như xây dựng lực lượng giám sát bán hàng ở từng khu vực, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường như dây ôtô, cáp đồng trục, cáp truyền số liệu, cáp điện thoại, ổ cắm...
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV, tăng trưởng ở Cadivi còn nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào như nhôm, đồng, nhựa.. tuy chiếm 90% giá thành và phải nhập khẩu nhưng lại không biến động nhiều về giá. Cadivi cũng nỗ lực tiết giảm chi phí (chi phí tài chính thường chỉ chiếm 2-2,5% tổng chi phí).
Sắp tới, với nhu cầu tiêu thụ dây cáp, điện vẫn tăng cao cùng đề án ngầm hóa 5.000 km mạng lưới điện trung và hạ thế tại TP.HCM, Cadivi kỳ vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận từ 15-20%. Ngoài ra, Công ty có tham vọng trở thành nhà sản xuất dây cáp điện hàng đầu Đông Nam Á. Để làm được điều này, trong năm 2016, Cadivi đã gia tăng đầu tư như triển khai giai đoạn 2 của dự án nhà máy sản xuất dây cáp điện tại Khu Công nghiệp Tân Phú (Củ Chi), nâng cao năng lực sản xuất dây điện dân dụng, dự án đầu tư dây chuyền bọc dây ôtô, dự án đầu tư lò nấu đồng UPCAST, thành lập cơ sở 2 xí nghiệp Thành Mỹ...
Nhưng bức tranh ở Cadivi vẫn còn không ít nghi ngại. Ngoài áp lực cạnh tranh khốc liệt, nợ khó đòi từ Công ty Điện Tân Miền Nam, Công ty Thanh Vân, TMM Metallhandel GMBH (Đức) buộc Cadivi phải trích dự phòng 100%. Tuy nhiên, mối ưu tư lớn nhất cho Cadivi lại nằm ở Gelex.
Gelex của hiện tại đã khác với Gelex khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Đó là Gelex với cơ cấu cổ đông phân tán và xáo trộn về mặt nhân sự chủ chốt. Trong đó, đáng chú ý là Tổng Giám đốc mới ở Gelex mới ngoài 30 tuổi, lại chưa từng làm trong mảng thiết bị điện. Gelex lại vừa quyết định tăng vốn lên tới hàng ngàn tỉ đồng, từ phát hành cổ phiếu lẫn trái phiếu để đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ thiết bị điện đến cả logistics, bất động sản, năng lượng...
Trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động kinh doanh chính của Gelex đã suy giảm. Phao cứu sinh cho Gelex hiện là nguồn cổ tức và lợi nhuận được chia. Trong bối cảnh đó, Cadivi, với sự phụ thuộc vào Gelex, sẽ khó lòng tránh khỏi những tác động không mong muốn.
Viết Nguyên