Thứ Tư | 23/10/2013 09:24

Cách nào thoát “vòng xoáy” vàng?

Cái bẫy lợi ích trong thời gian qua đã làm cho các khu vực bị cuốn khá sâu vào vòng xoáy vàng.
Những thông tin gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy câu chuyện về vàng vẫn đang rất sôi động. Dường như có một vòng xoáy nào đó đang cuốn hút sự quan tâm của hầu hết mọi tầng lớp vào đây.

Cái bẫy lợi ích trong thời gian qua đã làm cho các khu vực bị cuốn khá sâu vào vòng xoáy vàng (biểu đồ giá vàng từ năm 2011 đến nay)
Cái bẫy lợi ích trong thời gian qua đã làm cho các khu vực bị cuốn khá sâu vào vòng xoáy vàng (biểu đồ giá vàng từ năm 2011 đến nay)


Từ góc độ lợi ích DN kinh doanh, ý kiến cho rằng cần phải trả vàng lại cho thị trường, ý kiến khác hàm ý các NHTM hưởng lợi nhiều hơn từ chênh lệch giá vàng. Ý kiến khác lo ngại mất cơ hội kinh doanh làm giầu cho mình từ vàng như những năm xưa…

Nếu nhìn vào các phản ứng từ các khu vực theo kiểu vòng xoáy, rõ ràng Việt Nam cần những giải pháp để thoát ra khỏi vòng xoáy vàng, trên cơ sở đó hướng tới lợi ích tổng thể của xã hội.

Lợi ích đuổi... lợi ích
Lợi ích DN vàng. Nếu đứng từ góc độ DN, rõ ràng với lượng nhập khẩu vàng hàng năm vào VN khá lớn, có năm lên tới hàng trăm tấn vàng thì nhập khẩu vàng nói chung và kinh doanh vàng nói riêng là nguồn lợi khổng lồ. Về quy mô thị trường nội địa, theo ước tích của chuyên gia, hiện có từ 400 tới 500 tấn vàng vẫn tồn tại trong nền kinh tế. Với con số như vậy nếu chỉ cần một vài chục % trong số đó được mua bán hàng hàng ngày thì lợi ích thu được sẽ sẽ rất lớn. Số lượng vàng kinh doanh theo hình thức sàn vàng vào thời điểm năm 2008 cho thấy mỗi ngày có hàng triệu lượng vàng được giao dịch cũng phần nào cho ta ước đoán quy mô của thị trường vàng vật chất VN. Trên thực tế tại VN đã có một vài NHTM được ra đời từ “vàng” (người sáng lập thành công từ kinh doanh vàng).

Lợi ích của người dân. Với những người dân, lợi ích từ giao dịch vàng dễ thấy là quyền được mua, bán vàng và nắm giữ vàng như một tài sản. Khi lạm phát có khuynh hướng gia tăng, đồng tiền mất giá, nguy cơ bất ổn khác…, người dân đều có quyền được nắm giữ vàng hay nắm giữ tài sản khác mà họ cho là tin tưởng hoặc nhà nước cung ứng cho họ một giải pháp thay thế phù hợp.

Lợi ích của toàn xã hội (do Nhà nước làm đại diện): Chống lạm phát và ổn định tiền tệ liên quan đến vàng có thể được coi là vấn đề lợi ích quan tâm nhất của Nhà nước trong thời gian qua. Liên quan đến vàng ở VN, lịch sử cho thấy, từ năm 1990, cứ khi có lạm phát, hay nguy cơ lạm phát, cùng với một số giải pháp thì VN lại nhập khẩu vàng, bán vàng can thiệp thị trường, thu tiền đồng về, do đó lạm phát giảm thực sự (nhất là năm 1991/92/93). Dường như lịch sử này đã dựng nên truyền thống về chính sách vàng gắn với ổn định tiền tệ của VN từ những năm 1990 đến những năm gần đây. Việc mở rộng cho các DN kinh doanh vàng dường như không trên cơ sở đồng tiền VN đã được mạnh lên mà do đòi hỏi về tự do hóa lĩnh vực kinh doanh này.

Vòng xoáy vàng
Nếu nhìn cả quá trình phản ứng của các khu vực nêu trên ta có thể thấy vấn đề lợi ích chung của toàn nền kinh tế là không ổn. Các phản ứng hay ứng xử của các khu vực với vàng thời gian qua cho thấy động cơ lợi ích đã dẫn đẩy vòng xoáy vàng mãnh liệt trong một thời gian tương đối dài. Vòng xoáy này được tóm tắt như sau:

Có nguy cơ hay kỳ vọng VND mất giá => Dân đổ xô đi mua vàng => DN thấy lợi nhuận nên đòi nhập khẩu vàng => Nhu cầu ngoại tệ tăng => Giảm dự trữ ngoại hối=> Kỳ vọng VND phá giá => Dân đổ xô đi mua vàng…

Nếu nghiên cứu thấu đáo có thể thấy đây là mô hình giải thích tại sao VN có nhu cầu cao về vàng đến như thế (hay vàng hóa nền kinh tế) và tại sao VN sùng bái vàng như một vài nghiên cứu đã đề cập. Tình trạng các NHTM chấp nhận rủi ro quá mức (huy động nhiều vàng quá khi giá thấp, lãi suất thấp hơn VND) cũng phản ánh một dạng vòng xoáy về vàng đối với NHTM…

Thoát ra...

Các động thái gần đây của cơ quan chức năng cho thấy, VN đang hướng tới một chính sách công tốt hơn về vàng. Nghị định 24/2012 của Chính phủ ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và các giải pháp chống vàng hóa nền kinh tế có thể coi là tín hiệu định hướng chính sách phù hợp.

Trên phương diện chính sách công về vàng, các chính sách của Nhà nước là đảm bảo quyền kinh doanh vàng của DN trên cơ sở hạn chế các hiệu ứng tiêu cực (hiệu ứng ngoại lai) do việc kinh doanh vàng của DN gây ra hay do việc nắm giữ quá nhiều vàng của dân chúng gây ra. Những thông điệp từ các cơ quan thời gian qua cho thấy, lợi ích của nhà nước liên quan đến vàng là:

Làm thế nào đề giảm tình trạng vàng hóa nền kinh tế, làm thế nào để dân chúng hạn chế nắm giữ vàng mà nắm giữ VND và gửi số tiền này (tiết kiệm) vào hệ thống tài chính hay đầu tư vào sản xuất kinh doanh (thay vì để trong tủ với lượng ước tính từ 400-500 tấn tương đương tới vài chục tỉ USD). Khi đó lượng vốn trên thị trường sẽ tăng lên và lãi suất sẽ giảm thấp hơn hiện nay, nền kinh tế sẽ không phải đi vay vốn nước ngoài.

Làm thế nào để nhu cầu vàng của VN không tác động quá mạnh đến nhu cầu ngoại tệ, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối mà trái lại là tăng dự trữ ngoại hối, củng cố vị thế của VND và uy tín của NHNN… Và làm thế nào để nền kinh tế không bị cuốn vào vòng xoáy vàng như đã nêu trên ?

Trên góc độ ngân hàng, Nhà nước cần đảm bảo làm thế nào để Nhà nước có thể khơi thông nguồn vàng chết trong dân cư, đồng thời cũng đảm bảo các NHTM không bị tích tụ rủi ro hay chấp nhận rủi ro quá mức do huy động vàng như thời gian qua. Nhà nước cũng cần loại đi các hình thức kinh doanh quá rủi ro, mạo hiểm và đầy rủi ro (thậm trí lừa đảo tài chính) như sàn vàng - một thời đã mọc lên như nấm ở VN năm 2010…

Phải làm gì ?

Thực tế cho thấy, cái bẫy lợi ích trong thời gian qua đã làm cho các khu vực bị cuốn khá sâu vào vòng xoáy vàng và dường như không dễ gì thoát ra. Nhìn vào vòng xoáy trên, rõ ràng từng khu vực cần có các hành động nhất định thì mới thoát ra khỏi cái bẫy muôn thủa của vòng xoáy vàng:

DN và NHTM làm gì ? Với vàng là loại tài sản tài chính đặc trưng ở VN hiện nay (do lịch sử và thói quen) vàng vẫn còn là nguồn lợi lớn với DN. Tuy nhiên, khi Nhà nước chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế, xã hội cần một sự hy sinh lợi ích nhất định từ DN: chuyển đổi sản kinh doanh vàng trang sức hay tương tự và từng bước rút khỏi thị trường vàng tiền tệ (vàng miếng) là giải pháp phù hợp.

Các ngân hàng thương mại cần có giải pháp rút khỏi tình trạng rủi ro (tất toán trạng thái vàng) và nên lưu ý, trên thế giới đã có ngân hàng đổ vỡ vì vàng.

Nhân dân nên làm gì ? Khi tiền tệ và nền kinh tế ổn định thì việc nắm giữ vàng sẽ không có lợi so với nắm giữ VND và gửi vào ngân hàng. Tin vào VND, tin vào Ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ của nước nhà không tự tạo ra hiệu ứng đám đông đổ xô đi mua vàng như những năm qua (nhất là 10/2010) chính là giải pháp tự bảo vệ tài sản của mình.

Nhà nước nên làm gì ? Về dài hạn, Nhà nước cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định VND…; Tuy nhiên, cụ thể và hiện tại, NHNN cần kiên định với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế. Vì vàng là hàng hóa đặc biệt ở VN, nếu kỳ vọng lợi nhuận do nắm giữ vàng càng cao thì dân chúng sẽ càng nắm giữ vàng và nhu cầu vàng sẽ cao, dẫn đến việc đẩy giá vàng trong nước lên cao, tiếp tục tạo ra kỳ vọng lợi nhuận do nắm giữ vàng và dân lại đổ xô đi mua vàng… Như thực tế tháng 10/2010, khi giá vàng VN càng tăng, dân chúng càng đi mua vàng. Do đó khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, tâm lý kỳ vọng giá vàng sẽ giảm và sẽ không nắm giữ vàng và do đó nhu cầu vàng giảm, dẫn đến giá vàng có thể giảm hay ổn định …

Phân tích theo lý thuyết thị trường tài sản đối với vàng như vậy có thể giải thích chính sách duy trì giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới của NHNN thời gian qua đã góp phần giảm nhu cầu vàng và qua đó ổn định thị trường vàng trong nước. Điều này là thực tế và trái với quan điểm đưa giá vàng trong nước ngang bằng giá vàng thế giới. Mặc nhiên, nhà nước cần có giải pháp chống buôn lậu vàng và chống đô la hóa nền kinh tế. Tuy nhiên nếu nhu cầu vàng trong nước không cao, thì cũng giảm nhập lậu theo suy luận.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp


Sự kiện