Các thành viên Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trong nông nghiệp, vấn đề lớn đang nổi lên là giá cả một số mặt hàng giảm xuống do thị trường thế giới và trong nước có suy giảm… Vì vậy, hai Bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung vào xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nhất là thị trường xuất khẩu.
Trong hoạt động xuất khẩu hàng nông, thuỷ sản cần hết sức quan tâm tới kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn đối với hàng hoá xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là đối với những thị trường khó tính nhằm tránh thiệt hại kinh tế.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Chính phủ sớm có quyết sách để hỗ trợ người nuôi cá tra, gia cầm trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho hay, hiện Bộ đang tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong đó có phối hợp với ngân hàng để xử lý nợ cho nông dân.
Nêu rõ quan điểm cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng cần thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn việc hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tốt các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết việc xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xử lý tích cực, khẩn trương với những giải pháp khả thi, đảm bảo tính an toàn của toàn hệ thống ngân hàng.
Nhận định bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, kinh tế còn khó khăn, các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị cần tiếp tục điều hành theo lạm phát mục tiêu, giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô; tăng tín dụng cho nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thực hiện mục tiêu kép là vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Đồng thời, quan tâm tổ chức lại các kênh thu mua, tiêu thụ hàng hoá, đặc biệt là nông, thuỷ sản, tránh có quá nhiều các khâu trung gian, gây thiệt hại cho người sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng.
Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và một số thành viên Chính phủ đề xuất việc tăng cường các biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản để khơi thông dòng vốn, tăng tiêu thụ vật liệu xây dựng; đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội nhất là nhà cho công nhân, cho sinh viên, các hộ nghèo.
Nguồn SBV