Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ tái cơ cấu như thế nào?
Bên cạnh việc thoái vốn, tái cơ cấu tài chính tại các tập đoàn còn bao gồm việc lập kế hoạch tài chính, cơ cấu lại nợ, đánh giá hiệu quả đầu tư, cân đối dòng tiền để quyết định việc đầu tư hay dừng dự án không hiệu quả.
Dưới đây là lộ trình tái cơ cấu của một số tập đoàn chính:
Tập đoàn Cao su dự kiến tổng giá trị thoái vốn đến 2015 vào khoảng 4.500 tỷ đồng, và đến cuối 2015, số vốn đầu tư ngoài ngành chính dự kiến còn 660 tỷ đồng, bằng 1,5% tổng vốn chủ sở hữu của Tập đoàn; sau năm 2015, Tập đoàn tiếp tục thoái vốn dự kiến thu hồi 562 tỷ đồng, như vậy, số vốn đầu tư ngoài ngành chính chỉ còn 100 tỷ đồng, chiếm 0,2% vốn chủ sở hữu của Tập đoàn.
Tập đoàn dự kiến đến năm 2015, về cơ bản, giải quyết triệt để các dự án đầu tư ngoài ngành sản xuất chính, tập trung nguồn lực để phát triển các ngành sản xuất chính, phát triển sản phẩm công nghiệp để giảm lượng cao su xuất thô từ 30-50%, đưa tỷ trọng doanh thu cao su thô từ gần 80% như hiện nay xuống còn 60%.
Tập đoàn Dầu khí tổ chức lại sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, vận hành nhà máy điện theo hướng thu gọn đầu mối; hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp thành viên cấp I, cấp II, III, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng doanh nghiệp, từng nhóm doanh nghiệp để giảm cạnh tranh nội bộ, không trùng lắp.
Trên cơ sở đó, việc tái cơ cấu đầu tư và tài chính được thực hiện thông qua thoái hết vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp cấp 2 và 64 công ty liên kết của doanh nghiệp cấp II, thoái vốn tại 9 doanh nghiệp cấp IV.
Tập đoàn Hóa chất dự kiến thoái toàn bộ vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính của Tập đoàn trong giai đoạn 2011-2015 (chiếm 3% vốn chủ sở hữu).
Tập đoàn Dệt may. Việc tái cơ cấu tập đoàn dệt may để nhằm hình thành chuỗi cung ứng sợi-dệt-nhuộm hoàn tất-may, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm Dệt may của Tập đoàn; việc tạo ra chuỗi cung ứng sẽ giúp tạo động lực mới trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, chủ động trong sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho tất cả các thành viên của Tập đoàn. Bên cạnh đó, Tập đoàn xây dựng kế hoạch thoái vốn để giảm số doanh nghiệp có vốn đầu tư của công ty mẹ từ 76 xuống còn 42 doanh nghiệp (giảm 37 doanh nghiệp).
Tập đoàn Than-Khoáng sản dự kiến thoái vốn tại 9 doanh nghiệp. Dự kiến nguồn vốn thu được do cổ phần hóa, thoái vốn các lĩnh vực ngoài ngành và bán bớt cổ phần của Vinacomin tại một số doanh nghiệp khi thực hiện Đề án tái cơ cấu là khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng xây dựng kế hoạch thoái vốn 152 tỷ đồng ở 8 công ty; kế hoạch thoái vốn khi tái cơ cấu tài chính và đầu tư với tổng giá trị 160 tỷ đồng.
Tổng công ty Thuốc lá cũng tổ chức lại các công ty con 100% vốn điều lệ thuộc Công ty Mẹ để thu gọn đầu mối quản lý, tập trung ngành, nghề theo khu vực địa lý; trên cơ sở đó từ 9 công ty TNHH một thành viên, tổ chức lại thành 2 doanh nghiệp.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hạch toán phụ thuộc, doanh nghiệp thành viên để giảm từ 73 đầu mối xuống còn 37 đầu mối, dưới các hình thức: cổ phần hóa 18 đơn vị hạch toán phụ thuộc và doanh nghiệp thành viên (trong đó: 9 cảng loại I, Tổng công ty nắm giữ 75% vốn điều lệ; 7 doanh nghiệp, Tổng công ty nắm giữ trên 50% đến 65% vốn điều lệ; 2 doanh nghiệp, Tổng công ty không nắm vốn điều lệ), giải thể 2 doanh nghiệp, thoái vốn góp của Tổng công ty đã đầu tư tại 37 doanh nghiệp và thực hiện phá sản 2 doanh nghiệp.
Định hướng năm 2013, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp và tổ chức thực hiện với mục tiêu tăng trưởng khoảng 10%. Đến 2020, dự kiến sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
(Theo cafeF/TTVN)