Thứ Ba | 19/08/2014 21:47

Các tập đoàn nhà nước mua“giúp” nhau 71.000 tỷ đồng

Bộ Công thương yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty ký thỏa thuận mua bán hàng hóa lẫn nhau để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, giảm bớt tồn kho.
Tổng giá trị hàng hóa mua bán giữa các tập đoàn, tổng công ty kể trên chưa bao gồm các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu. Theo thống kê hôm 19-8 của Bộ Công thương, trong số này, các doanh nghiệp tiêu thụ qua lại trên 4.164 tỉ đồng giá trị máy móc thiết bị điện, 5.200 tỉ đồng thép xây dựng. Ngoài ra còn mua trong nội bộ các tập đoàn, tổng công ty hơn 55 tỉ mặt hàng quần áo bảo hộ lao động...

Bằng chỉ thị số 13, tháng 10-2012, Bộ Công thương đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty ký các thỏa thuận mua bán hàng hóa lẫn nhau để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, giảm bớt tồn kho và thúc đẩy lưu thông hàng Việt.

Tại thời điểm Bộ Công thương ra chỉ thị, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm rất cao. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2011. Những mặt hàng có chỉ số tiêu thụ giảm đáng kể như nhóm sản phẩm giấy, bao bì, sản xuất xi măng, máy phát, biến thế điện, thép xây dựng.. Lượng tồn kho này trên thị trường nói chung là lớn, song lớn nhất là tập trung vào khối các tập đoàn, tổng công ty do sức cạnh tranh sản phẩm kém và khả năng thích ứng với các biến động của thị trường cũng kém so với các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân khác.

Theo chỉ thị số 13 của Bộ Công thương, tại thời điểm đó, có 16 tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ đã ký thoả thuận và 11 tập đoàn, tổng công ty ký biên bản ghi nhớ song phương cam kết, hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau.

Sau khi thỏa thuận được ký kết và thực hiện, Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn tiêu thụ bao bì nhãn mác giúp Tổng công ty giấy, Petrolimex mua xăng dầu từ Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn ...đến ngày 1-12-2012, chỉ số tồn kho đã giảm đi. Và đến nay, chỉ số tồn kho của các tập đoàn, tổng công ty tăng thấp hơn mức tăng chung.

Khi chỉ thị này ra đời, dư luận đã lên tiếng về việc các tập đoàn, tổng công ty đã khép kín quá trình kinh doanh, mua bán trong nội bộ, tạo nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước, tạo nên sự thiếu minh bạch trong các gói thầu, có thể ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung.

Tuy chỉ thị yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đúng pháp luật về đấu thầu, theo đó luật không cho phép các doanh nghiệp thành viên trong nội bộ tham gia vào quá trình đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị song đã có đến 71 ngàn tỉ đồng hàng hóa được ký kết. Kết quả này là do thị phần của các tập đoàn, tổng công ty trong ngành nghề kinh doanh rất lớn. Ví dụ như năm 2012, Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật chiếm 87% thị phần dầu tinh luyện tại Việt Nam, thị phần của Tập đoàn xăng dầu là trên 50%, thị phần của Tổng công thép Việt Nam là 37% đối với thép xây dựng, thị phần khí hóa lỏng của Tập đoàn dầu khí khoảng 60%...

Điều đó đồng nghĩa với mỗi hợp đồng tiêu thụ có tính thỏa thuận được ký kết, sẽ giảm đi nhiều cơ hội cạnh tranh sòng phẳng của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa tương tự ngoài thị trường.

Và thực tế, cho dù các thỏa thuận này có giúp tập đoàn, tổng công ty giảm bớt khó khăn tại thời điểm đó song thực tế không phải là động lực giúp doanh nghiệp phát triển.

Bằng chứng là một số hợp đồng mua bán hàng hóa vay vốn nước ngoài có giá trị lớn thì các thỏa thuận kiểu này không “chen chân” được vì các điều kiện ràng buộc với bên cho vay vốn.

>>>>> Đọc toàn bài tại đây

Nguồn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn


Sự kiện