Khách hàng nhận kiều hối từ người thân làm việc ở nước ngoài tại một trung tâm chuyển tiền ở Makati City, Metro Manila. Nguồn ảnh: Reuters
Các startup kiều hối đang đổ xô vào châu Á
Trong số đó, TransferWise, một công ty chuyên về dịch vụ chuyển tiền trực tuyến có trụ sở tại Anh, sẽ ra mắt dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng tại Singapore trong vài tháng tới và tại Nhật Bản vào năm tới. TransferWise thành lập vào năm 2010 và được định giá 3,5 tỷ USD, điều giúp công ty đạt danh hiệu kỳ lân (startup có định giá trên 1 tỷ USD).
TransferWise không phải là “người chơi” phi ngân hàng duy nhất nhìn thấy cơ hội ở châu Á. InstaReM, công ty khởi nghiệp fintech có trụ sở tại Singapore dự kiến sẽ nhận được giấy phép tại Nhật Bản và Indonesia trong năm nay, trong khi Remitly, công ty có trụ sở tại Mỹ, đã mở văn phòng lớn nhất bên ngoài nước Mỹ ở Manila vào tháng 8.
Revolut, startup về thanh toán có trụ sở tại Anh, cũng nhìn thấy cơ hội ở châu Á. Năm 2018, ông Nikolay Storonsky, CEO của Revolut, đã nói với Nikkei Asian Review rằng công ty sẽ vào thị trường Nhật Bản với kế hoạch mở rộng hơn nữa ở châu Á. Có vẻ như, hiện, công ty đang chuẩn bị ra mắt các dịch vụ thanh toán trực tuyến như chuyển tiền tại Nhật Bản.
Dịch vụ mới của TransferWise sẽ cho phép người dùng nạp tiền vào tài khoản TransferWise của họ và chi tiêu hơn 40 loại tiền tệ với tỷ giá thấp hơn so với các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Dịch vụ chuyển tiền cốt lõi của công ty nhắm đến đối tượng các sinh viên nước ngoài và người nước ngoài để nhận tiền hay gửi tiền về quê hương mình.
Công ty có 5 triệu người dùng trên toàn thế giới và thực hiện các giao dịch trị giá 5 tỷ USD mỗi tháng. Ở châu Á và khu vực Thái Bình Dương, tổng khối lượng giao dịch là "15 tỷ bảng Anh (18,5 tỷ USD) mỗi năm và đã tăng khoảng 50% so với năm trước", ông Venkatesh Saha, người đứng đầu TransferWise châu Á - Thái Bình Dương cho biết. Ông nói thêm rằng, gần đây, TransferWise đã được cấp giấy phép tại Malaysia và hiện đang "tích cực làm việc để ra mắt dịch vụ của chúng tôi ở đó" vào cuối năm nay.
Lượng kiều hối toàn cầu (tỷ USD) đã tăng nhanh trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2018. |
Ngân hàng Thế giới ước tính kiều hối toàn cầu đạt 689 tỷ USD trong năm 2018, tăng 9% so với năm 2017 và tăng gấp đôi so với năm 2006. Nguồn tăng trưởng chủ yếu đến từ Châu Á. Kiều hối chảy tới Nam Á tăng 12% trong năm 2018, so với mức 6% trong năm 2017. Đông Á và khu vực Thái Bình Dương có mức tăng trưởng 7% trong năm 2018, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2017.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thị trường chuyển tiền của châu Á vẫn còn nhiều tiềm năng. "Trọng tâm kinh tế thế giới sẽ chuyển sang châu Á và sẽ có nhiều dòng người di cư đến đây, xu hướng kiều hối ở châu Á sẽ tiếp tục phát triển", ông Kaori Iwasaki, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết.
Cho tới gần đây, thị trường kiều hối vẫn do các ngân hàng chi phối. Nhưng một làn sóng bãi bỏ bớt các quy định đang thúc đẩy sự gia tăng của các dịch vụ trực tuyến, vốn có thể cung cấp tỷ giá hối đoái thấp hơn vì chúng không cần các chi nhánh vật lý và các hệ thống truyền thống. Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí chuyển tiền trung bình toàn cầu giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019 từ mức 10% trong năm 2009.
Năm 2018, Anh đã cho phép TransferWise trở thành tổ chức phi ngân hàng đầu tiên tham gia hệ thống thanh toán quốc gia. Bằng cách cắt giảm các ngân hàng trung gian, công ty có thể chuyển tiền ngay lập tức và giảm chi phí xử lý.
Venkatesh Saha, đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của TransferWise. |
Các nước châu Á đang theo kịp xu hướng. Ông Saha nói rằng, TransferWise được chính quyền Singapore cho phép để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và khai thác dữ liệu của khách hàng trực tiếp trong quy trình Know-Your-Customer (là quá trình thẩm định của một công ty hay tổ chức để xác minh danh tính của khách hàng của họ). "Chúng tôi hy vọng đây cũng là phương thức điển hình cho các quốc gia khác," Saha nói.
Năm 2018, Nhật Bản đã cho phép các nhà khai thác kinh doanh xác minh khách hàng bằng các tài liệu trực tuyến, thay vì qua thư. Quốc gia này cũng đang thảo luận về việc cho phép các công ty phi ngân hàng xử lý các khoản kiều hối hơn 1 triệu yên (9.000 USD) sớm nhất là từ giữa năm 2021.
Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch nới lỏng một số hạn chế. Vào tháng 7, chính quyền nước này tuyên bố rằng họ sẽ chấm dứt giới hạn sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính vào năm 2020. "Bây giờ chúng tôi thực sự đang tìm hiểu xem các quy định sẽ nói gì, nhưng chúng tôi cảm thấy rất lạc quan dựa trên tuyên bố", ông Saha cho biết.
Ông Takane Hori, Giám đốc Hiệp hội Fintech của Nhật Bản, cho biết sự cạnh tranh đang gia tăng giữa các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền. "Cả ngân hàng và người chơi phi ngân hàng đang cạnh tranh lẫn nhau bằng cách cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và giảm phí," ông Hori nói.
►Grab và Gojek đang “chiến” dữ dội trên thị trường giao đồ ăn trực tuyến
►Alibaba thâu tóm Kaola với giá 2 tỷ USD
Nguồn Nikkei Asian Review