Các sếp ngân hàng tính nhận thù lao thế nào?
Tại một số ngân hàng thương mại lớn, dự kiến lợi nhuận năm 2015 sẽ tiếp tục tăng trưởng, nên hội đồng quản trị đề xuất tăng thù lao hoặc áp cơ chế thưởng.
Như tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), sau năm 2014 đạt kết quả kinh doanh khả quan và lợi nhuận cao, Hội đồng Quản trị đã đề xuất và được thông qua mức thù lao 2015 khá cao và tăng đáng kể.
Năm 2014, mức thù lao cho Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát BIDV là 0,38% lợi nhuận sau thuế, khá tương đồng với nhiều ngân hàng thương mại khác.
Nhưng năm 2015, tại đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra cuối tuần qua, thu lao cho cơ cấu lãnh đạo cao cấp nói trên của BIDV tăng khá mạnh, lên mức 0,44%, cao hơn các ngân hàng thương mại khác trong khối quốc doanh (khối có con số lợi nhuận tuyệt đối hàng năm lớn).
Một mặt, mức thù lao trên được gắn với các chỉ tiêu kinh doanh cao hơn trong năm nay, đặc biệt là đích 7.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Mặt khác, cơ cấu Hội đồng Quản trị của BIDV đã mở rộng, dù đã miễn nhiệm 2 thành viên, nhưng có bổ sung 6 thành viên mới bao gồm thành viên độc lập và cơ cấu nhận sự từ sáp nhập Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), thành viên có quy mô lợi nhuận lớn nhất trong hệ thống những năm qua và dự báo cả năm nay, thù lao cho Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát vẫn không đổi, được xác định tối đa bằng 0,36% lợi nhuận sau thuế.
Việc xác định mức tối đa có thể bao gồm khả năng: nếu có biến động lớn và tình huống ngoài kế hoạch khiến ngân hàng không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, các lãnh đạo cao cấp sẽ nhận mức thấp hơn như ứng xử về trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu (?).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức thù lao cho hai cơ cấu nhân sự cao cấp nói trên vẫn giữ ở 0,35% lợi nhuận sau thuế. Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, một trong những cơ sở để đề xuất mức 0,35% là có tham khảo thực tế của các ngân hàng khác, cũng như căn theo số lượng thành viên thụ hưởng.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, do con số tuyệt đối về lợi nhuận nhỏ hơn nhiều so với khối quốc doanh nên tỷ lệ thù lao cao hơn. Nhưng trong khối này lại có những khác biệt đáng chú ý.
Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), năm 2014 lợi nhuận đột ngột đứt gãy sâu, phần còn lại không đáng kể so với quy mô tạo lãi những năm trước, nhưng Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát vẫn nhận mức thù lao và phụ cấp chuyên trách là 1,5% từ 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm qua.
Năm 2015, Hội đồng Quản trị Eximbank dự tính điều kiện kinh doanh ngành ngân hàng sẽ còn nhiều khó khăn và thử thách, nên xin giữ nguyên mức thù lao 1,5% lợi nhuận sau thuế như 2014.
Là thành viên có tốc độ sinh lãi khá cao và ổn định những năm gần đây, cũng như trước kỳ vọng sẽ có kết quả tốt hơn trong năm nay, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang tính đến cơ chế trích thưởng 20% vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho ban điều hành các cấp, sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, theo tờ trình gửi đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Trong khi đó, tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), dù lợi nhuận năm qua tăng hơn 60% và vượt 20% kế hoạch, nhưng Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát đều không nhận thù lao thưởng. Và năm 2015, với chỉ tiêu lợi nhuận cao hơn nữa, các nhân sự cao cấp này cũng tiếp tục giữ quan điểm đó.
Có thể hiểu, khi mà Techcombank vẫn chưa thực sự trở lại phong độ dẫn đầu khối ngân hàng cổ phần về lợi nhuận như trước đây, khi mà đã 4 năm liền cổ đông không được nhận cổ tức, lãnh đạo cao cấp không nhận thù lao thưởng cũng là một chia sẻ hợp lý.
Và không chỉ riêng tại Techcombank, năm nay, cổ đông nhiều ngân hàng khác vẫn tiếp tục mất mùa cổ tức, khi có quá nửa hệ thống các ngân hàng thương mại không thể chia cổ tức hoặc chỉ có được các mức rất thấp.
Nguồn VnEconomy