Các quỹ sẵn sàng bơm vốn
Đối với các CTCK hiện nay, thanh khoản tầm khoảng 2.000 tỷ đồng tương đối tích cực để có thể tồn tại và phát triển tương đối. Tuy nhiên, thị trường trong những ngày thấp điểm vài tuần rồi mốc 2.000 tỷ đồng thậm chí còn không đạt được. Đối với các quỹ đầu tư còn “khổ sở” hơn, mức 2.000 tỷ đồng có thể nói chỉ vừa với các quỹ nhỏ, tàm tạm với các quỹ trung bình và quá nhỏ nhoi với các quỹ lớn. 2.000 tỷ đồng chưa đến 100 triệu USD.
Hiện nay, một quỹ mở loại nhỏ có quy mô 20-30 triệu USD, nên nếu muốn mua chỉ cần một vài phiên là hoàn thành. Tuy nhiên, nếu bắt đầu nâng lên tầm 50-100 triệu USD lại khác, lúc này quy mô đã tương đương khoảng 50-100% thanh khoản thị trường, nếu bán ra toàn bộ cũng đủ để thị trường chao đảo một số phiên nhất định.
Do vậy chính các quỹ cũng khó lòng bán ra trong tình huống này vì bán ra sẽ tác động rất lớn đến giá trị tài sản (theo hướng giảm). Nhưng nếu quy mô của quỹ lên đến con số vài trăm triệu USD mức độ tác động sẽ còn lớn hơn nữa. Ở đây cần nhấn mạnh là một quỹ đầu tư tầm 200 triệu USD tại nước ngoài cũng chỉ được xem vào loại nhỏ. Với các định chế tài chính quản lý khối tài sản lên đến hàng tỷ USD nên vài trăm triệu USD chỉ là một phần nhỏ.
Thanh khoản thấp cũng khiến cho các quỹ rơi vào tình trạng “sướng, khổ” khác nhau. Sướng nhất hiện nay chính là những quỹ có quy mô vốn tầm 20-30 triệu USD đầu tư vào CP niêm yết. Các quỹ này có phạm vi lựa chọn khá rộng, từ blue chip đến mid cap thậm chí cả penny có tiềm năng cũng sẵn sàng giải ngân.
Theo dõi một loạt CP đầu cơ trên sàn vẫn thấy khối ngoại mua vào bán ra mỗi phiên vài trăm ngàn CP là một minh chứng rõ nét. Về mặt khối lượng, các quỹ này có thể mua vào tầm 500.000 CP mỗi mã mà với khối lượng này cũng không sợ thiếu hàng hoặc chi phối quá nhiều đến cung cầu thị trường. Trong khi đó, với các quỹ có quy mô lớn hơn, mỗi lần giải ngân có khi phải mua cả triệu CP và sẽ rơi vào thế khó vào và cả khó ra. Khi quỹ mua với khối lượng vài trăm ngàn CP mức độ linh hoạt trong việc cơ cấu danh mục cũng sẽ cao hơn, rất dễ chốt lời hay cắt lỗ, điều này cũng góp phần tích cực cho thanh khoản của thị trường.
Quỹ lớn khó giải ngân
Với giá trị giao dịch hiện nay quỹ tầm 100 triệu USD sẽ bắt đầu thấy khó, đặc biệt là các quỹ có đầu tư vào CP niêm yết. Đầu tiên là vấn đề rất khó để sở hữu những CP vừa có vốn hóa lớn vừa hoạt động hiệu quả do đã hết room, như VNM hoặc cổ đông Nhà nước còn nắm giữ tỷ lệ lớn như GAS. Nếu chuyển sang những CP mid cap và penny để tìm được mặt hàng ưng ý cũng không phải dễ.
Hơn 1 tháng trước, NFC (Phân lân Ninh Bình) chốt quyền trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 25%, phải nói là rất hấp dẫn nhưng không nhiều người được hưởng. Nói cụ thể hơn từ khi lên sàn đến nay, NFC có thanh khoản quá thấp, 10 phiên gần đây có đến 7 phiên KLGD của CP này bằng 0. Như vậy, chắc chỉ có những NĐT đã sở hữu NFC từ trước khi lên sàn được hưởng lợi. Còn lại NĐT chơi CP trên sàn có muốn cũng khó lòng mua NFC.
Trên sàn mua không được, quay xuống sàn còn khó hơn. Đối với những CP tốt có thể gán cho 3 chữ H bao gồm hot (được nhiều người quan tâm), hiếm (khó mua) và hét (giá cao). Thế giới di động (MWG) đang chuẩn bị lên sàn và theo những thông tin có khả năng mức giá chào sàn sẽ là 85.000 đồng/CP. Có nhiều quan điểm khác nhau, người nói đắt, kẻ nói MWG hét giá như vậy là vừa.
Nhưng cũng lật ngược lại vấn đề để nói rằng MWG khó có giá rẻ. MWG giá trị như thế nào không cần bàn tới hệ thống bán lẻ điện thoại di động lớn nhất hiện nay, chi tiết nữa là trên sàn hiện cũng chẳng có CP nào hoạt động giống như MWG để so sánh. PET cũng phân phối nhưng mô hình khác với MWG.
Một trường hợp khác cũng được khá nhiều NĐT quan tâm là Tàu cao tốc Superdong-Kiên Giang (SKG) chuẩn bị niêm yết 17,5 triệu CP tại HOSE. Theo một người phụ trách mảng ngân hàng đầu tư tại CTCK lớn cho biết SKG là công ty hoạt động hiệu quả, ổn định, theo kiểu Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT), nhưng có chi tiết là hiện nay hàng rất hiếm. Có không ít người muốn mua SKG nhưng trong thời điểm hiện nay tìm hàng không dễ. Dưới sàn đã “khan hàng” khả năng lên sàn sẽ nhiều hàng không dễ, nếu có cũng sẽ giá cao.
Từ câu chuyện của SKG, NFC hay MWG, có thể thấy ngay cả cơ hội dành cho những quỹ đầu tư vốn tư nhân (private equity-PE) cũng sẽ gặp không ít thách thức, gây nên tác động dây chuyền. Thí dụ: Các quỹ đầu tư PE khó tìm được doanh nghiệp để đầu tư, như vậy cũng gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng lên sàn, mà như vậy hàng hóa ít. Hàng hóa ít sẽ dẫn đến thanh khoản ít.
Nguồn Sài Gòn Đầu Tư