Các quỹ ngoại chuyển nhượng cổ phần của Thế Giới Di Động
Cụ thể, theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam mới thông báo, vào ngày 3.8, DC Developing Markets Strategies thuộc Dragon Capital đã chuyển nhượng 300.000 cổ phiếu MWG cho SR Global Fund L.P-Frontier Fortfolio. Trước đó vào 5/6, SR Global Fund cũng nhận chuyển nhượng qua VSD 500.000 cổ phiếu MWG từ Dempsey Hill Asia Fund.
Cũng trong ngày 3.8, KT Zmico Securities Company Limited đã nhận quyền sở hữu hơn 310.000 cổ phiếu MWG từ nhóm 5 quỹ đầu tư khác. Quỹ KT Zmico hồi tháng 3 cũng nhận 355.960 cp MWG từ tay 5 tổ chức nước ngoài khác.
Vào ngày 3.8, cổ phiếu MWG đóng cửa phiên giao dịch tại mức giá 112.500 đồng/cp. Như vậy, tổng giá trị khoảng đầu tư mà các quỹ ngoại đã sang tay là gần 70 tỉ đồng.
Hoạt động kinh doanh của MWG trong 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 44.570 tỉ đồng, tăng trưởng 43% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.540 tỉ đồng, cao hơn cùng kỳ 44%.
Chuỗi Điện Máy Xanh đóng góp 56% doanh thu thuần của MWG với 24.949 tỉ đồng, tiếp theo là chuỗi Thế Giới Di Động với 41% (18.039 tỷ đồng), Bách Hóa Xanh với 3% (1.552 tỉ đồng). Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc An Khang được MWG đầu tư 62 tỉ đồng đã thua lỗ 734 triệu đồng trong nửa đầu năm.
Vào đầu tháng 5, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, trả lời cổ đông sẽ giảm kế hoạch mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh từ 1.000 xuống 500 cửa hàng trong năm nay. Trên các diễn đàn, nhiều người cho rằng đây là một bước tiến thụt lùi trong chiến lược của Thế Giới Di Động.
Chưa kể thời điểm đó, giá cổ phiếu MWG giảm sâu từ đỉnh lịch sử 135.500 đồng/cp xuống vùng giá khoảng 96.600 đồng/cp, tức giảm khoảng 30% chỉ trong khoảng 4 tháng. Ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ “Tôi cảm nhận được biến động của giá cổ phiếu đến từ lo lắng cho một business mới chưa rõ ràng. Giai đoạn này sẽ còn tồn tại một thời gian nữa”, ông Tài nói.
Để đạt được mức doanh thu kỳ vọng 1 tỉ đồng/tháng/cửa hàng, ông Nguyễn Đức Tài quyết định thay vì tiến sâu vào khu dân cư thì dịch chuyển ra trục đường lớn đi vào khu dân cư. Vì vậy năm 2018, thay vì đặt nặng phải mở đủ 1.000 cửa hàng, ông Tài cho rằng giảm 50% số lượng nhưng phải mở đúng vị trí để đảm bảo doanh thu kỳ vọng.
Tháng 5, Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 871 triệu đồng/tháng/cửa hàng, gần đạt con số kỳ vọng. Tính chung cả chuỗi 372 cửa hàng, doanh thu đạt 324 tỉ đồng.
MWG còn cho biết sự thay đổi về vị trí cửa hàng mang lại những tín hiệu tích cực khi tất cả các cửa hàng Bách Hóa Xanh mở mới từ thời điểm tháng 4 đều đạt doanh số trên 1 tỉ đồng/tháng.
Bách Hóa Xanh cũng chuyển đổi một số cửa hàng chưa khai thác hết tiềm năng sang mô hình “Thịt tươi, cá lội” với hơn 150 chủng loại hàng tươi sống. Số lượng khách đến mua sắm và doanh thu trung bình của các cửa hàng này cao hơn khoảng 20% so với cửa hàng thông thường.
Biên lợi nhuận gộp Bách Hóa Xanh đã tăng từ 12% trong năm 2017 và 14% trong quý 1 lên gần 16% vào tháng 5 (sau khi trừ chi phí hàng hủy/ mất mát). Biên lợi nhuận gộp cải thiện chủ yếu nhờ giá vốn hàng bán giảm nhờ năng lực đàm phán tốt hơn đối với đơn đặt hàng lớn.
Tháng 6, MWG cho biết đã mở rộng lên 384 cửa hàng với doanh thu bình quân tính cho các cửa hàng đã hoạt động tối thiểu 30 ngày đạt trên 850 triệu đồng/cửa hàng/tháng.