Các nước sản xuất cao su chủ chốt sẽ hạn chế xuất khẩu để tăng giá
Tháng trước, các hiệp hội cao su từ Thái Lan đến Campuchia đã thúc giục các nhà sản xuất không bán cao su dưới giá sàn 1,5 USD/kg và nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu Thái Lan sau đó đã thông qua kế hoạch trợ cấp 58 tỷ baht (1,8 tỷ USD) cho nông dân cao su.
Giá cao su toàn cầu đã hồi phục từ mức thấp nhất từ năm 2009, nhưng thị trường vẫn rất ảm đạm và nhiều nông dân cao su châu Á đang ngừng khai thác để tìm công việc khác.
Ngày 20/11 sắp tới các bộ trưởng từ Thái Lan, Malaysia và Indonesia – các nước đã thành lập Hiệp hội Cao su Quốc tế (IRCo) sẽ nhóm họp tại Kuala Lumpur. Các quan chức từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng sẽ tham dự. Hiện 7 nước này chiếm 77% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.
Theo nguồn thạo tin, cuộc họp sẽ bàn thảo biên pháp tối ưu nhất mà các nước sản xuất cao su có thể áp dụng để ổn định giá. Hiện có 3 khả năng đang được xem xét – giảm nguồn cung ra thị trường toàn cầu, giảm nguồn cung nội địa hoặc tăng nhu cầu nội địa.
Năm 2012-13, IRCo đã nhất trí giảm xuất khẩu 300.000 tấn, tương đương 3% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, động thái này chỉ hỗ trợ giá trong ngắn hạn.
Yium Tavarolit, chủ tịch IRCo cho biết, cuộc họp lần này sẽ thảo luận các biện pháp ngăn ngừa biến động giá cũng như “khả năng hợp tác” giữa các nước sản xuất để giữ giá cao su thiên nhiên ở mức hợp lý.
Trên thực tế, việc các nước sản xuất cao su nhóm họp đã cho thấy sự đoàn kết và hợp tác và cho dù chưa đưa ra được biện pháp cụ thể nào, nhưng đây cũng là dấu hiệu tích cực cho thị trường.
Hiện giá cao su vẫn dao động ở mức thấp nhất 5 năm. Hợp đồng kỳ hạn trên sàn Tocom Tokyo hồi đầu tháng 10 chạm 173,8 yên/kg, thấp nhất 5 năm và mặc dù từ đó giá cao su đã phục hồi đôi chút lên 206 yên/kg, nhưng vẫn giảm hơn 25% trong năm năm.
Nguồn DVO/Reuters