Thứ Sáu | 05/02/2016 09:35

Các nước sản xuất cao su chủ chốt giảm xuất khẩu từ tháng 3 để đẩy giá

Indonesia, Malaysia và Thái Lan dự định giảm 20% khối lượng xuất khẩu cao su trong vòng 6 tháng từ 1/3 tới đây.

Ba nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới đã nhất trí giảm 20% xuất khẩu cao su từ đầu tháng 3/2016 trong một nỗ lực ngăn đà lao dốc của giá mặt hàng này.

Indonesia, Malaysia và Thái Lan - chiếm 70% sản lượng cao su thế giới và thành viên của Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) - cho biết, sẽ giảm xuất khẩu 615.000 tấn cao su trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ 1/3 nhằm đẩy giá cao su thiên nhiên tăng trở lại sau khi giảm gần 70% trong 5 năm qua.

Theo đó, Thái Lan sẽ giảm xuất khẩu 324.000 tấn, Indonesia giảm 238.740 tấn và Malaysia giảm 52.260 tấn.

Như vậy, xuất khẩu cao su của Thái Lan trong giai đoạn tháng 3-8/2016 sẽ giảm khoảng 50%. Còn với Indonesia, Hiệp hội Cao su Quốc gia cho biết xuất khẩu năm 2016 sẽ giảm ít nhất 8% xuống 2,4 triệu tấn từ 2,6 triệu tấn của năm trước.

ITRC tỏ ra lạc quan rằng việc cắt giảm xuất khẩu sẽ cho phép giá cao su hồi phục. Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tocom Tokyo hôm thứ Năm 4/2 đã tăng 2,3% lên 157 yên/kg (1,33 USD/kg) sau quyết định của ITRC.

Các nuóc sản xuát cao su chu chot giảm xuát khảu tu thang 3 de day gia
 

Tuy nhiên, các nhà phân tích, thương nhân và các tổ chức ngành hàng vẫn tỏ ra hoài nghi liệu việc giảm xuất khẩu có giúp hỗ trợ giá cao su trong dài hạn hay không trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu ảm đạm và tồn kho tăng cao.

Uthai Sonluksub, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Cao su, cho biết, các công ty thương mại cao su - thường mua hàng của nông dân - có thể sử dụng "chiêu" giảm xuất khẩu để ép giá nông dân.

Thị trường cũng tỏ ra hoài nghi 3 nước thành viên IRTC - Indonesia, Malaysia và Thái Lan - sẽ tuân thủ kế hoạch. Perk Lertwangpong, cố vấn tại Liên đoàn Hợp tác xã Chủ đồn điền Cao su Thái Lan, cho biết "Tôi không nghĩ rằng kế hoạch này sẽ hiệu quả vì cả 3 nước sẽ không tuân thủ cam kết. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ".

Đây không phải là lần đầu tiên ITRC cố gắng hạn chế nguồn cung cao su. Hồi tháng 8/2012, ba nước thành viên ITRC đã cùng nhau giảm xuất khẩu cao su trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, sau khi tăng, giá cao su lại quay đầu giảm do nguồn cung dồi dào.

Casey Oh, phụ trách bộ phận thương mại toàn cầu tại Công ty thương mại cao su R1 International trụ sở tại Singapore, cho rằng, câu hỏi đặt ra là 3 nước thành viên ITRC sẽ thực hiện việc cắt giảm xuất khẩu cao su như thế nào. Trong quá khứ, họ đã cố gắng nhưng đều rất không thành công.

Nỗ lực hạn chế xuất khẩu cao su của ITRC không thành công một phần thừa cung trong khi nhu cầu của Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới, trì trệ kéo dài.

Kinh tế Trung Quốc đã liên tiếp tăng trưởng chậm lại, năm 2015 xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 6,8% trong năm 2016.

Nhật Trường

Nguồn WSJ