Các nước mới nổi đối mặt với tình thế lưỡng nan về nhiên liệu
Gía dầu thô Brent nếu tính theo USD vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2008. Tuy nhiên giá dầu Brent đang ở mức kỷ lục nếu tính bằng đồng rand của Nam Phi và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu tính bằng đơn vị tiền tệ của Ấn Độ, Indonesia và Brazil - các quốc gia có kim ngạch nhập khẩu lớn - giá dầu Brent đạt mức cao kỷ lục vào thời điểm cuối năm ngoái .
Điều này khiến cho chính phủ các quốc gia mới nổi rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu chính phủ các quốc gia này để mặc cho chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát sẽ tăng cao và tiêu dùng suy giảm. Nếu họ hãm đà tăng giá nhiên liệu bằng chương trình trợ giá, thì ngân sách chính phủ sẽ phải chịu nhiều áp lực.
"Đồng tiền mất giá và chi phí nhập khẩu dầu tăng cao đang tạo ra áp lực lớn đối với mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lượng của các thị trường mới nổi", Amrita Sen, giám đốc công ty tư vấn Energy Aspect cho biết.
Trong thập kỷ qua, nhiều quốc gia đang phát triển phải phụ thuộc vào nguồn dầu thô nhập khẩu để duy trì tốc độ công nghiệp hóa. Điều này đã giúp cho giá dầu ở trên mức 100 USD/thùng ngay cả khi nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ và châu Âu sụt giảm do hiệu suất sử dụng năng lượng tăng lên.
Khi đồng tiền mất giá, chính phủ các quốc gia mới nổi gặp phải nhiều khó khăn trong việc duy trì nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu.
Thứ sáu tuần trước (31/12/2013), chính phủ Nam Phi thông báo giá xăng dầu ở mức cao kỷ lục sau khi giá dầu Brent tăng lên mức cao nhất mọi thời đại (hơn 1.210 rand/thùng). Tại Thổ Nhĩ Kỳ - nơi nhập khẩu năng lượng chiếm hơn một nửa thâm hụt thương mại - giá dầu đã tăng 40% kể từ tháng 4/2013.
"Đây là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi, nơi chi phí đi lại và thực phẩm chiếm phần lớn chi tiêu của nhiều người dân. Giá nhiên liệu tăng mạnh sẽ khiến cho các khoản chi tiêu khác bị cắt giảm.", ông Walter de Wet, giám đốc nghiên cứu hàng hóa của ngân hàng Standard Bank, cho biết.
Theo các nhà đầu tư, hầu hết các thị trường mới nổi không giảm bớt lượng dầu nhập khẩu. Nguyên nhân chính là do các chương trình trợ giá - ấn định giá nhiên liệu trong nước - giúp người tiêu dùng không phải đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng cao.
Tuy nhiên, các chương trình trợ giá nhiên liệu đang ngày càng tốn kém. Vào 10/2013, Indonesia dự kiến sẽ chi tới 11% ngân sách năm 2014 cho việc trợ giá nhiên liệu. Tuy nhiên, giá trị đồng rupiah của Indonesia đang thấp hơn 20% so với dự đoán của Chính phủ, khiến cho chi phí nhập khẩu nhiên liệu tăng cao.
Việc người tiêu dùng phải gánh chịu giá nhiên liệu tăng cao sẽ tác động ngay lập tức tới các hoạt động kinh tế. Tại Ấn Độ - nơi chính phủ tăng giá dầu diesel sau khi giá trị đồng rupee sụt giảm mùa hè năm ngoái - lượng nhiên liệu dùng trong lĩnh vực công nghiệp đã giảm trong 6 trong 7 tháng vừa qua.
Nguồn Dân Việt/Financial Times