Các nhà tài trợ tin tưởng dành vốn ODA cho Việt Nam
Đáng chú ý, các cơ quan này tự tin rằng, bằng những cơ chế giám sát sử dụng vốn thích hợp, các nước hoàn toàn có thể phòng ngừa được các rủi ro phát sinh trong các dự án ODA hiện nay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi công bố sách Xanh viện trợ phát triển, đại diện phái đoàn châu Âu Eu tỏ ra tin tưởng, bằng các cơ chế giám sát vốn của mình, EU hoàn toàn có thể ngăn ngừa các tình huống phát sinh tương tự như vụ bê bối JTC trong các dự án ODA của Nhật Bản vừa qua.
| ||
Tiến sỹ Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: "Trong suốt 20 năm hợp tác phát triển với Việt Nam, EU chưa từng xảy ra một trường hợp bê bối nào.
Chúng tôi rất thận trọng với các khoản tài trợ, đảm bảo rằng không có chuyện gì bất thường xảy ra.
Chúng tôi tin tưởng, với cơ chế giám sát, sử dụng vốn một cách có trách nhiệm của cả 2 bên, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn ngừa không để xảy ra các tình huống xấu như vụ JTC vừa qua".
Các quốc gia, tổ chức là nhà tài trợ không hoàn lại hàng đầu cho Việt Nam trong năm 2014 là Đan Mạch, phái đoàn EU, Hà Lan, Bỉ và Ailen, chiếm 71% tổng vốn không hoàn lại cam kết. Đáng chú ý, một số quốc gia như Đan Mạch, đang dần chuyển giao hoạt động giám sát vốn cho các đối tác Việt Nam.
Ông John Nielsen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nói: "Chúng tôi cho rằng cơ chế phối hợp là điều tối quan trọng để phát huy hiệu quả đồng vốn hỗ trợ phát triển. Qua 20 năm hợp tác, có nhiều dự án chúng tôi đã chuyển giao cơ chế giám sát cho Việt Nam. Chúng tôi vẫn thường xuyên có sự trao đổi qua lại với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để thúc đẩy sử dụng vốn minh bạch".
Với những hiệu quả hợp tác đã được chứng minh trong 20 năm qua, đại diện EU tiếp tục cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong chu kỳ cung cấp vốn ODA 7 năm tới, tập trung trong 2 lĩnh vực ưu tiên là năng lượng xanh và hoàn thiện thể chế.
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp