Các nhà sản xuất cà phê “lối cũ ta về”
Các nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đang quay lại với khách hàng tốt nhất của mình, sự thay đổi này khiến giá một tách cà phê từ São Paulo đến San Francisco tăng lên. Tiêu thụ cà phê đang tăng với tốc độ khá nhanh tại Brazil, Việt Nam và Colombia – sản xuất 60% sản lượng cà phê thế giới.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, sức mua cà phê bao gói của Brazil dự báo đạt 1,03 triệu tấn trong năm nay, vượt qua Mỹ trở thành nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1999.
Khi thu nhập tăng, người tiêu dùng sẽ dần rời bỏ các loại đồ uống rẻ tiền như trà chẳng hạn. Họ cũng sẽ yêu cầu loại hạt cà phê chất lượng cao hơn, thường là loại tương tự như các nhà rang xay lớn ở Mỹ và châu Âu đang sử dụng.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu cà phê toàn cầu dự báo đạt kỷ lục trong năm nay. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự đoán tiêu thụ cà phê tại các nước xuất khẩu tăng hơn 2 lần so với các nước nhập khẩu như Mỹ và Italia.
Người trồng cà phê đang cố gắng bắt kịp nhu cầu đang bùng nổ cả ở thị trường nội địa và nước ngoài - giúp giá cà phê kỳ hạn tăng 75% trong năm nay.
Đáp ứng nhu cầu có thể là một nhiệm vụ không mấy dễ dàng khi dịch bệnh nấm đã tàn phá mùa vụ ở Trung Mỹ và hạn hán nghiêm trọng đang gây tổn hại cho nước sản xuất hàng đầu Brazil. Các nhà rang xay lớn như Starbucks Corp và Folgers J.M. Smucker Co đã nâng giá bán.
Các nước sản xuất đang cung cấp hạt cà phê tốt hơn cho người dân của họ, Steven C. Topik, giáo sư sử học châu Mỹ Latin tại Đại học California, Irvine – đang nghiên cứu lịch sử cà phê và các loại hàng hóa khác – cho biết. Giờ đây người dân trong nước đã có đủ tiền để mua cà phê chất lượng cao.
Thu nhập tăng sẽ cho phép người tiêu dùng tại các nước sản xuất cà phê như Việt Nam tiêu thụ nhiều cà phê hơn.
Theo Eurominitor, doanh số bán cà phê tươi và cà phê uống liền đã tăng hơn 2 lần trong thập kỷ qua.
Tại Brazil, văn hóa cà phê đã có từ thế kỷ 18 và thấm sâu đến mức người Brazil gọi bữa sáng là café da manhã hay “cà phê sáng”. Những năm gần đây, nhu cầu hạt cà phê chất lượng cao đã tăng khi thu nhập tăng, người trồng cà phê và chủ quán cà phê đều cho biết như vậy.
Isabela Raposeiras, chủ quán cà phê Coffee Lab ở São Paulo - nơi giá một tách cà phê đã pha bằng hạt cà phê trồng tại Brazil có thể lên đến 12 real (5,5 USD), cho biết, công việc kinh doanh của cô đang phát triển rất nhanh. Giờ đây, việc chỉ rõ chất lượng cà phê đã trở thành một thói quen và người tiêu dùng sẽ không quay trở lại những tách cà phê chất lượng thấp.
Cô Raposseiras cho biết, doanh số bán tại cửa hàng của cô – khai trương được 5 năm – đã tăng 3 lần trong năm qua.
Xu hướng sử dụng hạt cà phê chất lượng cao hơn đang “định hình lại” các mô hình thương mại cà phê.
Thập kỷ qua, sản lượng cà phê của Brazil tăng 61% nhưng xuất khẩu chỉ tăng 34%, phần còn lại dùng cho thị trường nội địa.
5 năm trước, Minasul, hợp tác xã gồm 5.000 nông dân trồng cà phê ở miền nam Brazil, bán khoảng 20% sản lượng cà phê của hợp tác xã cho người tiêu dùng Brazil. Giờ đây, con số này tăng lên 30-35%, giám đốc thương mại Marcos Mendes Reis cho biết.
Minasul chỉ bán cà phê Arabica – loại cà phê đang được các nhà rang xay như Starbucks và illycaffè SpA sử dụng.
Trước việc tiêu thụ cà phê tại Brazil tăng mạnh, các nhà nhập khẩu Mỹ cho biết, họ đang trả giá cao hơn vì phải cạnh tranh với những người mua cà phê tại Brazil.
Trong khi đó, các công ty như Starbuck và Nestlé SA đang cố gắng thu hút tầng lớp trung lưu – ngày một tăng tại chính các nước sản xuất và xuất khẩu cà phê.
Tháng 7/2014, Starbucks đã khai trương quán cà phê đầu tiên tại Colombia tại Parque de la 93 thủ đô Bogotá và tuyên bố chỉ sử dụng cà phê Colombia để phục vụ thực khách. Starbucks dự định mở 50 cửa hàng tại Colombia trong 5 năm tới.
Euromonitor dự đoán, người Colombia sẽ mua kỷ lục 72.500 tấn cà phê trong năm nay.
Hiện nay, phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng tại các nước trồng cà phê vẫn là hạt cà phê chất lượng thấp, phần nào hạn chế ảnh hưởng lên giá tại thị trường phát triển.
Nhưng những người như cô Raposeiras đang làm thay đổi xu hướng này.
Cô Raposeiras đã làm việc với nông dân trồng cà phê để cải thiện chất lượng; tại cửa hàng Coffee Lab, cô cũng đang điều hành xưởng chế biến và pha chế cà phê.
Số lượng quán cà phê cũng đang tăng mạnh tại một số thành phố nhỏ ở nước láng giềng Peru – nơi nông dân trồng cà phê cung cấp cho Starbucks và những nhà rang xay quy mô lớn khác.
Năm qua, Café Q’ulto, quán cà phê mới hoạt động 1 năm tại thành phố cao nguyên Tingo Maria, Peru, đang sử dụng hạt cà phê trồng trong nước – loại cũng đang được cung cấp cho hãng rang xay cà phê Keurig Green Mountain Inc. của Mỹ - để pha chế cappuccinos và lattes, Julian Aucca Echarre cho biết.
Người tiêu dùng trong nước giờ đây “đã biết đến cà phê chất lượng tốt”, sức mua đang tăng tại Peru và mọi người ngày càng kỹ tính hơn, ông Aucca Echarre cho biết.
Nguồn Theo DVO/WSJ