Thứ Sáu | 16/05/2014 08:06

Các nhà máy tại Bình Dương, Đồng Nai dần hoạt động trở lại

Hôm 15/5, các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai bắt đầu hoạt động trở lại.
Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, đến chiều 15/5, tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã ổn định, không còn xảy ra tình trạng công nhân đình công, tuần hành như mấy ngày trước. Một lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định, hầu hết các công ty đã hoạt động trở lại, công nhân đã đi làm bình thường.

Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp với các ngành chức năng để nắm tình hình tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Báo cáo tại cuộc họp, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã bắt giữ hơn 300 đối tượng đập phá, hôi của và chống người thi hành công vụ tại các cuộc diễu hành, gây rối trong 2 ngày qua.

Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết, có 162 công ty hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã bị đập phá, làm hư hỏng và mất mát tài sản, trong đó đa phần là các công ty của Trung Quốc, Đài Loan.

Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục theo dõi, rà soát các đối tượng có liên quan và các đối tượng đang lẩn trốn để đưa ra xử lý, đồng thời kêu gọi các đối tượng có hành vi trộm cắp, hôi của mang tài sản trả lại cho các công ty để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trấn an các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; đồng thời cho biết sẽ xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi trái pháp luật gây tổn hại cho doanh nghiệp.

Cùng với Đồng Nai, sáng nay, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đã trở lại bình thường. Công nhân tại các nhà máy bị ảnh hưởng đợt vừa qua đã bắt đầu đi làm trở lại.

Trong khi đó, tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình an ninh tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn đã ổn định.

Vốn là điểm nóng của tình trạng gây rối kích động của các phần tử quá khích, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tới nhiều công ty bị đập phá, trong đó có 16 công ty bị đốt, thiệt hại về tài sản được cho là không nhỏ.

Cũng giống như Đồng Nai, phần lớn các công ty này có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, cho thấy các hành động gây rối của các phần tử có cùng mục đích chống Trung Quốc từ vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Ghi nhận cho thấy, các khu công nghiệp lớn nhất của Bình Dương như Việt Nam - Singapore, Sóng Thần… bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đã bắt đầu ổn định trở lại. Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại đây đã quay lại sản xuất, kinh doanh.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho biết, bên cạnh việc xử lý các thành phần gây rối, ổn định sản xuất, các ban ngành cũng tổ chức các đoàn đến các doanh nghiệp, khu nhà trọ tuyên truyền để công nhân ý thức được các hành vi của mình cũng như hậu quả của nó gây ra, đồng thời động viên công nhân yên tâm đi làm trở lại.

Tại TP.HCM, sáng nay (15/5), UBND TP.HCM đã có buổi gặp gỡ Tổng Lãnh sự quán các nước và Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn để cung cấp thông tin và củng cố niềm tin về môi trường đầu tư tại thành phố.

Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, chính quyền thành phố đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng bảo vệ nhà máy, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Riêng đối với thành phần gây rối, kích động chính quyền thành phố sẽ kiên quyết, xử lý nghiêm theo pháp luật.

"Thành phố luôn xem các nhà đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế không thể tách rời và đã có những đóng góp cho sự phát triển của kinh tế thành phố. Do đó, chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm sự an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài", ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Lê Hoàng Quân cũng mong muốn Tổng Lãnh sự quán các nước và Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố cùng giải quyết các vụ việc nhằm góp phần vun đắp mối quan hệ hợp tác tốt đẹp.

Nguồn BizLive


Sự kiện