Thứ Năm | 17/04/2014 08:38

Các ngân hàng xử lý nợ xấu của Vinashin như thế nào?

Sau tuyên bố phá sản, Vinashin đã chuyển một số khoản nợ sang Petrovietnam và Vinalines, nhưng vẫn nợ các ngân hàng 26.000 tỷ đồng
Hiện Vinashin đã tái cơ cấu đổi tên thành Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) và giảm đầu mối từ hơn 240 doanh nghiệp (DN) xuống còn 8 DN. Câu hỏi được đặt ra lúc này, với khoản nợ khủng 26.000 tỷ tồn đọng tại các tổ chức tín dụng, có thể kể đến là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân Hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)…, đã xử lý “cục nợ xấu” này như thế nào.

Trước đó vào cuối năm 2013, lãnh đạo Tập đoàn Vinashin đã khẳng định: “Hết năm 2014, Vinashin cơ bản sẽ cơ cấu xong nợ”. Theo một lãnh đạo ngân hàng, hiện Vinashin có dư nợ tại gần 40 tổ chức tín dụng và đa phần các khoản vay này có thể xử lý được.

Hiện tại, tổng dư nợ của Ngân hàng BIDV với Vinashin vẫn còn 6.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,2% tổng dư nợ tại ngân hàng này. Trong đó, số nợ được chuyển qua cho Vinalines là 1.600 tỷ đồng, khiến cục nợ “khủng” của Vinashin tại BIDV còn 5.000 tỷ đồng, tương ứng 2,4% tổng dư nợ.

Theo ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV, năm 2014 BIDV dự kiến sẽ trích dự phòng rủi ro cho cọc nợ này khoảng 1.500 tỷ đồng, và có thể gấp đôi con số này trong nửa đầu năm tới mặc dù trong 5.000 tỷ đồng này có tới 3.000 tỷ là khoản vay được bảo lãnh theo chỉ định.

Ông Hà cho biết, không nên quá lo lắng về số nợ này của Vinashin. Được biết, thời gian qua cùng với quá trình tái cơ cấu Vinashin, nhiều khoản nợ lớn của tập đoàn này đã được chuyển qua cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác.

Còn Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) cũng đã cung cấp cho Vinashin lên đến 3.345 tỉ đồng (bao gồm cho vay và mua trái phiếu), tương đương 83% vốn điều lệ. Cũng chính hệ lụy từ khách hàng lớn này mà cuối cùng Habubank đã phải chọn phương án sáp nhập vào SHB để giải quyết những khó khăn về tài chính.

Còn tại Techcombank, số nợ của Vinashin đang tồn đọng trên 500 tỉ đồng. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh, khoản vay này được ngân hàng trích lập hơn 100% giá trị tài sản, nhưng cụ thể như thế nào thì ông Hùng Anh không cho biết.

Một trong những ngân hàng, xử lý nợ xấu của Vinashin nhanh nhất, phải kể đến là ngân hàng SHB. Sau khi sáp nhập với Habubank, SHB đã có những phương án xử lí nợ xấu của Vinashin khá tốt. Tính đến ngày 31/12/2012, dư nợ của Vinashin tại SHB còn 4.004 tỉ đồng, chiếm hơn 44% tổng nợ quá hạn của ngân hàng. Đến cuối năm 2013, khoản nợ này chỉ còn hơn 1.200 tỉ đồng.

Tại sao SHB lại xử lý số nợ xấu Vinashin nhanh như vây. Trong Đại hội cổ đông thường niên 2013, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB, cho biết, nợ xấu của Vinashin đã được hoán đổi thành trái phiếu, theo hình thức trả 30% tổng nợ trái phiếu chuyển đổi. Trong đợt này, SHB được hoán chuyển 1.103 tỉ đồng thành trái phiếu và phần nợ 1.419 tỉ đồng còn lại được trích lập dự phòng và phân bổ trong vòng 5 năm.

Hai tổ chức nữa nhận trách nhiệm xử lý nợ xấu của Vinashin là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và Vinalines. Đến thời điểm hiện nay, DATC đã cơ cấu được khoản nợ với tổng giá trị 13.152 tỉ đồng của Vinashin (cả nợ gốc lẫn lãi) theo hình thức chuyển đổi thành trái phiếu. Sắp tới DATC sẽ cơ cấu tiếp khoản nợ 13.084 tỉ đồng còn lại và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014. Còn Vinalines, cũng đang có dự kiến chuyển đổi số nợ của Vinashin thành trái phiếu.

Như vậy, thay vì phải trả nợ, Vinashin đã chuyển số nợ sang công ty DATC, một đơn vị trung gian nhiệm vụ xử lý nợ ở các doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Chuyển nợ cho DATC cũng đồng nghĩa, Chính Phủ lại phải chịu trách nhiệm trả nợ.

Nhưng khi DATC nhận trách nhiệm trả hết nợ cho Vinashin. Câu hỏi đặt ra, với một khoản nợ khủng do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, mà cuối cùng Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm, thì số tiền trả nợ đó vẫn là ngân sách, là tiền thuế của người dân.

Nguồn Đời sống & Pháp luật


Sự kiện