Các ngân hàng tổn thất bao nhiêu do lừa đảo?
Bên cạnh đó, hàng loạt vụ việc lừa đảo tại ngân hàng xuất hiện trên khắp các mặt báo với nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi, tham ô, chiếm đoạt tài sản và sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức.
Điều này đã khiến nhiều ngân hàng phải tổn thất tài sản, ảnh hưởng đến uy tín và hình tượng của chính ngân hàng trong mắt người dân.
Gây chấn động mạnh nhất có lẽ là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như với thiệt hại trầm trọng nhất trong vụ án này thuộc về ngân hàng Á Châu ACB với gần 719 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền này đã được một số lãnh đạo của ACB ủy thác cho 19 nhân viên ngân hàng gửi vào VietinBank CTG để hưởng chênh lệch lãi suất, vi phạm quy định của Nhà nước về trần lãi suất. 17 người liên quan đến vụ việc đã bị truy tố cùng bà Như, nhiều lãnh đạo chủ chốt của ACB cũng đã phải từ nhiệm và bị khởi tố.
Cũng dính vào vụ án này, hai ngân hàng TienPhongBank và Navibank NVB bị chiếm đoạt lần lượt 550 tỷ và 200 tỷ đồng.
Còn MaritimeBank (MSB) cũng đã ủy thác đầu tư cho 3 công ty gửi tiền vào VietinBank hưởng lãi suất từ 18-23%/năm, cao hơn trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.
Lợi dụng những sơ hở trong quá trình giao dịch, Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng của MSB. Tuy nhiên, đến tháng 9/2011, trước khi khởi tố vụ án, 3 công ty trên đã vay tiền của một đơn vị khác để trả lại cho MSB toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt.
Nằm trong top ngân hàng có nhiều vụ việc vi phạm nhất trong năm là Agribank. Thống kê sơ bộ những vụ lừa đảo chiếm đoạt tại Agribank được công bố rộng rãi trên báo chí, ít nhất gần 4.400 tỷ đồng của ngân hàng này cũng đã ra đi với hàng chục vụ việc.
Điển hình, tại chi nhánh 3 - Agribank, các sếp của ngân hàng này đã ký duyệt các bộ hồ sơ khống xin vay vốn, tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo chiếm đoạt 112 tỷ đồng của ngân hàng. Bên cạnh đó, bằng chiêu thức khác, nhân viên Agribank - chi nhánh Bình Thạnh còn lợi dụng việc tiếp quỹ tại các máy ATM của ngân hàng để “rút ruột” 21 tỷ đồng.
Đặc biệt, do hoạt động kinh doanh không có hiệu quả với rất nhiều sai phạm của Công ty cho thuê tài chính 2 - Công ty con của Agribank như huy động vốn sai nguyên tắc, vô trách nhiệm trong khâu thẩm định hồ sơ khách hàng, công ty này đã báo lỗ 3.000 tỷ đồng trong năm 2009. Theo kết quả kiểm toán Nhà nước năm 2011, toàn bộ số tiền khổng lồ trên đã bị thất thoát vì những sai phạm của Công ty cho thuê tài chính 2.
Chưa dừng lại ở đó, Agribank tiếp tục bảo lãnh cho công ty con này vay tiếp 400 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội để trả nợ cho Agribank nhưng Bảo hiểm xã hội cũng hào phóng giải ngân đến 1.010 tỷ đồng trong tổng số 1.300 tỷ đồng cam kết cho vay. Đến tháng 10/2009, khi có 1 hợp đồng 200 tỷ đồng đáo hạn của Công ty cho thuê tài chính 2 không trả được lãi và nợ gốc, Bảo hiểm xã hội mới dừng việc giải ngân lại.
Đặc biệt, gần đây đang nổi cộm vụ bắt giam nguyên Tổng giám đốc Agribank - ông Phạm Thanh Tân về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Liên quan đến vụ án này, Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam (Lifepro Vietnam) đã được giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện dự án Nhà máy Luxfashion. Tuy nhiên, đến tháng 8/2012, nhà máy này đã ngừng hoạt động và 3.000 tỷ đồng của Agribank cũng khó thu hồi.
Sau đó lợi dụng việc kiểm tra, kiểm định, quản lý, giám sát tài sản thế chấp của cán bộ Techcombank có nhiều sơ hở, các đối tượng lừa đảo đã xin ngân hàng giải ngân và chiếm đoạt số tiền 559 tỷ đồng.
Không chỉ kém về nghiệp vụ, nhân viên của Techcombank Thanh Hóa còn lừa đảo giả vờ báo máy ATM trục trặc để mượn chìa khóa rút tiền đem đi đánh bạc. Không có thông tin về kết quả bồi thường cho Techcombank.
Tại VietinBank - chi nhánh Đông Anh, số tiền 368 tỷ đồng bị chiếm đoạt không phải là nhỏ. Cán bộ tại chi nhánh ngân hàng này đã bị khởi tố về hành vi vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng khi ký duyệt hồ sơ khống xin vay vốn của ngân hàng.
Trong tháng cuối cùng của năm 2012 nổi cộm lên vụ lừa đảo tại SeABank khi nguyên Phó Tổng giám đốc ngân hàng - bà Nguyễn Thị Hương Giang đã bị khởi tố vì lạm quyền trong thi hành công vụ, tự ý ký và phát hành 12 chứng thư bảo lãnh vượt quá thẩm quyền quy định, để ngoài hệ thống sổ sách, không có hồ sơ lưu, không thu phí với tổng giá trị phát hành hơn 310 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng.
Các chứng thư bảo lãnh trên đã quá hạn thanh toán nhưng các bên được bảo lãnh vẫn chưa thanh toán hoặc có biện pháp khắc phục.
Có thể thấy chưa có năm nào mà ngành tài chính lại “lao đao” và thiếu uy tín như năm 2012. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, tài sản của ngân hàng đã bị thất thoát nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh và danh tiếng của các ngân hàng. Đặc biệt, hầu hết các vụ lừa đảo trên đều có sự tiếp tay của chính cán bộ, nhân viên ngân hàng hay thậm chí là cấp lãnh đạo, điều này đánh dấu hỏi lớn về chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên ngân hàng.
Nguồn Vietstock