Các ngân hàng đồng loạt "kích hoạt" AMC
Ngoài Agribank đứng đầu về độ sẵn sàng và số lượng nợ có thể nói lớn nhất sẽ bán cho VAMC, ba ngân hàng gốc quốc doanh chưa hồi âm.
Nhưng không phải các ngân hàng này ngồi im, gần đây họ đã xốc lại công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc, những công ty tưởng chừng "chết lâm sàng" gần 2 năm nay. Ngoài AMC của Vietinbank hoạt động khá sôi nổi và đều đặn trong việc xử lý tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của ngân hàng, AMC của Agribank và BIDV, Vietcombank đã hoạt động cầm chừng thời gian qua.
Một thời gian dài, 20 AMC của các tổ chức tín dụng luôn có cảm giác mặc cảm như "đứa con rơi". Điều lệ mẫu, các quy định cho AMC hơn 13 năm qua không được cơ quan quản lý coi sóc, cập nhật dù nhiều nội dung đã không còn phù hợp với tình hình mới. Đó là lý do quan trọng để nhiều năm qua AMC tại các ngân hàng ở nước ngoài như cánh tay phải của tổ chức tín dụng thì tại Việt Nam lại không giúp được gì nhiều cho các ngân hàng. Ở nhiều AMC, một số hoạt động bị lái đi chệch hướng nhưng cũng không ai tuýt còi.
Nay, Vietinbank theo kế hoạch chuẩn bị nâng vốn điều lệ cho AMC lên gấp hơn 16 lần, từ 30 tỉ lên 500 tỷ đồng, BIDV đang bổ sung nhân lực cho bộ phận AMC năm qua chỉ tồn tại như một phòng ban đại diện.
Agribank đã xin giải thể AMC nay cũng tái lập và đang củng cố lại bộ máy, tổ chức hoạt động. Các ngân hàng cổ phần cũng tăng vốn, củng cố nhân sự và nguồn lực với AMC của mình.
"Nợ xấu khó mà giảm. Ngân hàng nào cũng rất nỗ lực giảm phát sinh nhưng phát sinh tăng cũng tăng mạnh. Dư nợ đầu kỳ cộng phát sinh tăng trong kỳ, trừ phát sinh giảm bằng nợ cuối kỳ. Tôi tin không có ngân hàng nào giảm tỷ lệ nợ xấu qua 8 tháng đầu năm. Thống kê dù theo cách nào đó có thể giảm nhưng về bản chất tôi chắc chắn nợ xấu không giảm", theo lời tổng giám đốc một AMC được coi là hoạt động mạnh nhất trên thị trường từ đầu năm tới nay.
8 tháng qua, công ty ông định giá trên 2.100 tài sản với giá trị hơn 37 nghìn tỷ đồng giá trị nợ theo giá thị trường, trong đó 90% là bất động sản.
Vì thế, ông nói VAMC mới ra đời như một 'quyền trợ giúp đặc biệt' một thời gian cho các ngân hàng. Song theo ông việc các AMC sẽ buộc phải "sống lại" là bởi các ngân hàng không thể trông chờ duy nhất vào VAMC với những khoản nợ rất chọn lọc trước mắt được mua bằng trái phiếu đặc biệt. Phần rất lớn nợ xấu sẽ giải quyết theo giá thị trường, phần chưa được VAMC chú trọng ít nhất trong nửa năm tới, thì các tổ chức tín dụng phải xác định tốt nhất tự giải quyết.
Trong Thông tư 19, 20, chưa quy định rõ giá mua nợ theo giá thì trường sẽ được tính như thế nào. Chính mức giá và tỷ lệ ăn chia chưa rõ ràng sẽ khiến các tổ chức tín dụng xác định AMC của họ sẽ xử lý các tài sản và mua bán nợ theo giá thị trường. Đây cũng là chức năng được quy định sẵn của AMC. Làm được việc này như công ty trên, ngân hàng giảm bớt được đáng kể chi phí, công sức và hiệu quả thay vì chờ VAMC xử lý hòm hòm đóng nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt xong mới tới lượt "nợ thị trường".
Như vậy hiểu ở khía cạnh gián tiếp, VAMC là một động lực để các ngân hàng ứng xử tích cực hơn với nợ xấu và các AMC của mình.