Ngân hàng Vietinbank. Ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Đức Thứ Bảy | 21/11/2020 17:29

Các ngân hàng đầu tư mạnh vào trái phiếu doanh nghiệp

Tại thời điểm cuối quý III/2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại sở hữu đạt mức 207.000 tỉ đồng.

► Ngân hàng sở hữu hơn 207.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp

► Tính đến ngày 17.11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8,79 triệu tỉ đồng

► Ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm 2020

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng được công bố mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research cho biết các ngân hàng đã đầu tư mạnh vào trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng sở hữu hơn 207.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp

Nghị định số 81/2020/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ 1.9.2020 đã tác động lớn đến hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.  Cụ thể, Nghị định 81 khiến các công ty đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7 và tháng 8.2020.

 

Theo đó, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III tăng vọt lên 164.400 tỉ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của SSI Research, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại sở hữu cũng tăng thêm 43.500 tỉ đồng trong quý III/2020 lên mức 207.000 tỉ đồng, tăng 69,5% so với đầu năm 2020. Trong đó, mức tăng mạnh nhất là các ngân hàng như TechcombanK, SHB, VPBank, MBBank và TPBank.

Nhìn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 10 tiếp tục suy giảm, với tổng giá trị đạt 8.700 tỉ đồng, giảm 39,4% so với tháng 9 và giảm tới 90% so với tháng cao điểm là tháng 8.

KBSV cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt rõ rệt trong 2 tháng vừa qua khi các quy định mới về siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu được quy định tại Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.9.2020. Do vậy, phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều đã đẩy nhanh phát hành trong tháng 8.

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 kỳ vọng ở mức 9-10%

Quý III/2020, tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, tổng tín dụng tăng thêm khoảng 153.300 tỉ đồng trong quý III/2020, cao hơn khoảng 19% so với mức tăng trong quý II/2020. Nhờ vậy, tín dụng tại cuối quý III/2020 tăng 2,9% so với quý trước và tăng 7,5% so với đầu năm 2020.

Ngược lại, tín dụng ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tăng trưởng khá khiêm tốn,  ở mức 1,1% so với quý trước và 3,4% so với đầu năm 2020.

 

SSI Research cho biết họ nhận thấy sự gia tăng tốc độ giải ngân tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, tăng 5,3% so với quý trước và 12,9% so với hồi đầu năm 2020.

Cho vay doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt trong khi cho vay bán lẻ có dấu hiệu phục hồi ở BIDV, MBBank và HDBank. Trong quý III, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó mức cao nhất hiện nay là 23% ở Techcombank, TPBank và VIB.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 17.11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8,79 triệu tỉ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%); trong đó dư nợ cho nông nghiệp công nghệ cao đạt 27.000 tỉ đồng; nguồn vốn ngân hàng luôn sẵn sàng.

SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt từ 9% -10% so với đầu năm và cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào quý IV/2020.

SSI Research ước tính lợi nhuận của các ngân hàng năm 2020.
SSI Research ước tính lợi nhuận của các ngân hàng năm 2020 (tỉ đồng). 

Các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần đáo hạn, trong khi đó SSI Research nhận thấy lãi suất huy động đã được cắt giảm từ 20-40 điểm % trong tháng 10. NIM của ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện trong những quý tới. Tuy nhiên, chi phí dự phòng có thể tăng nhanh trong quý IV/2020.

Về kết quả kinh doanh, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng mà họ nghiên cứu lên mức tăng trưởng 9,2% cho năm 2020, tương ứng đạt 110.700 tỉ đồng.

SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại nhà nước giảm 6,2% trong năm 2020, và sau đó phục hồi 21,8% trong năm 2021. Trong khi đó, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm 2020 và tăng 13,7% trong năm 2021.

* Có thể bạn quan tâm 

►Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2021

►Triển vọng của Hòa Phát liệu đã phản ánh vào giá?