"Các ngân hàng đã chủ động xử lý nợ xấu"
Tại thời điểm 31-12-2013, tổng số nợ xấu trên địa bàn TP.HCM là 44.697 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,69% tổng dư nợ toàn địa bàn. Đến hết tháng 1-2014, số nợ xấu tăng nhẹ thêm 153 triệu đồng, nâng tỷ lệ nợ xấu lên 4,73% tổng dư nợ.
Nguyên nhân phát sinh nợ xấu là do khó khăn chung của nền kinh tế dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ, không trả được nợ vay ngân hàng. Bên cạnh đó, nợ xấu còn bắt nguồn từ việc thẩm định nợ vay, giám sát vốn vay của các ngân hàng thiếu chặt chẽ, dẫn đến chất lượng tín dụng kém, việc xử lý thu hồi nợ qua các cơ quan thi hành án, tòa án mất nhiều thời gian…
Trong tổng số nợ xấu này, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ 74,15% và lĩnh vực phi sản xuất chiếm 25,85%. Cụ thể, số nợ xấu của lĩnh vực phi sản xuất là 11.591 tỷ đồng, trong đó riêng bất động sản là 5.877 tỷ đồng, tiêu dùng là 2.173 tỷ đồng. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã chú trọng phát triển tín dụng trong lĩnh vực tiêu dùng, nhưng nợ xấu mảng này cũng phát sinh rất nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực thẻ. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều cảnh báo rủi ro đối với hoạt động cho vay tiêu dùng thông qua thẻ, đặc biệt là hình thức thấu chi.
Phân tích nợ xấu theo khối các tổ chức tín dụng, nợ xấu tại các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt lần lượt 21,96% và 37,53%. Trong khối các ngân hàng, ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ 4,33%, ngân hàng thương mại cổ phần 4,03%, ngân hàng liên doanh 6,06% và ngân hàng nước ngoài 3,14%.
Vậy các giải pháp để giải quyết vấn đề và kết quả ra sao?
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã rất tích cực, chủ động trong việc xử lý nợ xấu, với các giải pháp được sử dụng chủ yếu là quỹ dự phòng rủi ro, thu nợ bằng tiền, bán nợ cho VAMC và xử lý tài sản đảm bảo nợ vay. Hiện các ngân hàng đang tích cực bán nợ xấu cho VAMC. Điều này sẽ tác động tốt đến quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Theo đó, trong năm 2013, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã xử lý được 33.879 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là 7.720 tỷ đồng, thu hồi nợ của khách hàng đạt 6.895 tỷ đồng, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 12.384 tỷ đồng, số còn lại là bán tài sản đảm bảo. Mới đây, trong tháng 1-2014, các tổ chức tín dụng cũng đã tiếp tục xử lý thêm 1.581 tỷ đồng nợ xấu cũng với các giải pháp như trên. Trong đó, có 487 tỷ đồng được bán cho VAMC.
Về việc bán nợ cho VAMC, trong năm 2013, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long đã bán được 458 tỷ đồng, ngoài ra, các ngân hàng thương mại cổ phần bán 9.799 tỷ đồng. Riêng nhóm các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính đến nay chưa có khoản nợ nào được bán cho VAMC.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng thực hiện cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các ngân hàng thương mại căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng, căn cứ vào phương án sản xuất kinh doanh để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt được 2 mục đích: giảm chi phí, giảm giá thành của doanh nghiệp, bởi cơ cấu lại nợ doanh nghiệp nhưng không chuyển nhóm nợ, tránh được lãi suất nợ quá hạn; giảm nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Điều này đã góp phần hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn, không phải chịu lãi phạt quá hạn và được tiếp tục vay vốn NH. Tính đến ngày 20-2, các ngân hàng đã cơ cấu lại 156.713 tỷ đồng cho 6.417 khách hàng.
Nguồn Báo Hải quan