Quý Hòa
Các ngân hàng chạy đua tăng vốn
Lần thứ hai trong năm, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ. Theo đó, HDBank sẽ tăng vốn điều lệ từ 8.828 tỷ đồng lên 9.809 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 17/11, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 2410/QĐ- NHNN về việc sửa đổi nội dung giấy phép hoạt động của HDBank, ghi nhận mức vốn điều lệ mới là 8.828 tỷ đồng, sau khi ngân hàng này tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016 và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trước HDBank, nhiều ngân hàng khác cũng đã đồng loạt tăng vốn, trong đó có Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) tăng thêm 1.647 tỷ đồng lên mức 15.706 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng thêm 1.882 tỷ đồng lên 11.259 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 14.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), cùng với việc thị trường chứng khoán khởi sắc thì lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh chính là điều kiện thuận lợi giúp các ngân hàng Việt Nam đồng loạt tăng vốn, gia tăng năng lực tài chính.
Ngành ngân hàng năm nay có một năm kinh doanh thuận lợi, trong đó chủ yếu là nhờ đẩy mạnh tín dụng. Tính đến tháng 10/2017, tín dụng tăng trưởng 15,9% nên cả năm có thể đạt 18%. Dư nợ tăng thì đương nhiên, lợi nhuận các ngân hàng tăng.
Ngoài ra, quản lý rủi ro của các ngân hàng tốt hơn nên chi phí dự phòng rủi ro có thể giảm hơn so với năm trước, giúp tăng lợi nhuận của ngân hàng.
Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, nhiều ngân hàng tiếp tục đặt ra kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Cụ thể, có 19 ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng mức tăng thêm là 37.135 tỉ đồng, trong đó có những ngân hàng đặt kế hoạch tăng mạnh như BIDV tăng 4.445 tỉ đồng, Techcombank tăng 5.000 tỉ đồng, Vietcombank tăng 3.598 tỉ đồng, Đông Nam Á tăng 3.534 tỉ đồng, VPBank tăng 3.294 tỉ đồng, Quốc dân tăng 3.000 tỉ đồng và VIB tăng 2.259 tỉ đồng.
Các ngân hàng đặt ra kế hoạch ồ ạt tăng vốn điều lệ trong năm 2017 là nhằm nâng cao vốn tự có, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) để có thể mở rộng phát triển kinh doanh.
Theo Thông tư 41, cách tính hệ số CAR mới chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Mặc dù tỷ lệ mới theo quy định sẽ chỉ giảm từ 9% xuống còn 8%, nhưng các thông số đầu vào để tính sẽ khắt khe hơn và có xét đến các yếu tố rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Do đó, áp lực lên việc tăng vốn tự có từ giờ cho đến lúc đó là rất lớn.
Đối với những ngân hàng yếu kém, việc tăng vốn để bổ sung vốn điều lệ là cấp thiết. Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua cho phép các tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo giá thị trường, phần lỗ dù được xem xét phân bổ qua các năm thay vì phân bổ tất cả ngay lập tức, nhưng dù theo cách nào thì cũng ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận giữ lại của các ngân hàng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến vốn tự có của các ngân hàng.